Giáo dục - Học Đường

Băn khoăn và góp sức cho việc học online

Thứ Sáu, 27/08/2021 | 14:55

Để chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi năm học mới cận kề, ngành Giáo dục tỉnh đã có phương án chuyển đổi từ dạy - học trực tiếp sang hình thức dạy - học trên truyền hình, nền tảng Internet… Dù được xem là giải pháp lưỡng toàn trong giai đoạn đặc biệt này, nhưng vẫn để lại những băn khoăn không nhỏ đối với phụ huynh, học sinh và cả nhà trường…

Đủ kiểu lo

Anh N.C.P (Phường 7, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Vợ chồng tôi gửi con về huyện Đông Hải nghỉ hè từ giữa tháng 5 đến nay. Dự định kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chúng tôi sẽ về quê đón con lên để chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng giờ dịch bệnh đang căng thẳng, toàn thành phố bị phong tỏa, tôi không thể về quê đón con thì làm sao con có thể bắt đầu năm học mới. Thực tế có rất nhiều trường hợp cũng nan giải giống gia đình tôi. Giờ xin cho con học lớp 2 ở quê cũng không ổn vì đủ loại chi phí, thủ tục, chương trình học không tương thích (khác sách giáo khoa)…, nhưng để con học từ xa qua hình thức online với giáo viên cũng không xong vì ông bà không rành công nghệ, không thể hỗ trợ, kèm cặp việc học của cháu”.

Chị Thanh Thảo (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cũng rối rắm không yên khi con gái lớn vào lớp 6, con trai nhỏ chuẩn bị học lớp 1 chương trình mới. “Vợ chồng tôi là tiểu thương, tất bật buôn bán từ sáng đến tối nên không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để hỗ trợ con học tập. Hơn nữa, chúng tôi cũng không rành công nghệ, rồi chương trình mới của lớp 1, lớp 6 cũng khác xa với chương trình cũ nên chẳng biết hỗ trợ con như thế nào. Lo nhất là đứa nhỏ vào lớp 1, làm sao để bé cầm bút, ngồi học đúng tư thế, đồ chữ đúng theo các ô li; làm sao để bé chú tâm, tập trung vào lớp học online - hình thức học quá mới với bé”.

Đó là nỗi lo của các gia đình có điều kiện trang bị máy móc hỗ trợ việc học từ xa của con; còn với các gia đình vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn thì câu chuyện học online không chỉ dừng lại ở đó. Theo khảo sát chung của các trường, chỉ có khoảng 30% phụ huynh có máy vi tính kết nối mạng Internet có thể hỗ trợ việc học online của con. Khoảng 40% có thể học qua máy tính bảng, điện thoại thông minh nhưng màn hình nhỏ, lo ngại ảnh hưởng tới việc học. Và số còn lại thì chỉ có thể tiếp cận thông qua các kênh hỗ trợ khác như: phát bài giảng, giao đề cương, xây dựng sản phẩm ôn tập tại nhà…, nhưng hiện tại phương án này cũng gặp khó nếu như giãn cách kéo dài. Đó là còn chưa kể, những đối tượng học sinh trung bình, yếu kém, thiếu tập trung học tập sẽ phải “tự bơi” thế nào nếu không có sự giám sát trực tiếp của giáo viên.

Học qua truyền hình, học trực tuyến là giải pháp an toàn cho năm học mới khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Đ.K.C

Thầy chủ động, trò phối hợp, gia đình góp sức

Ông Trương Hà Giang - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải, cho biết: “Đây là năm học đặc biệt khó khăn đối với ngành Giáo dục. Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo tốt hoạt động dạy - học, huyện Đông Hải đã xây dựng nhiều phương án để khởi động năm học mới. Theo đó, dự kiến đến ngày 6/9, học sinh THCS sẽ bắt đầu học bằng hình thức trực tuyến; đến ngày 20/9, học sinh tiểu học cũng sẽ khởi động chương trình mới bằng hình thức trực tuyến hoặc qua truyền hình. Chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ khác đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa không đáp ứng được điều kiện học trực tuyến. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất chính là học sinh tiểu học không có ý thức học tập như học sinh THCS, THPT. Đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 khi các em còn ham chơi, khó tập trung được lâu. Vì vậy, nếu thầy không chủ động, trò thiếu phối hợp và gia đình không góp sức, đồng hành thì việc học từ xa sẽ cực kỳ khó khăn”.

“Ngay khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 bắt đầu lan rộng, tôi đã chủ động trao đổi, thảo luận với giáo viên trong trường chuẩn bị cho một năm học mới đầy thử thách. Ngoài việc cập nhật những phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến như: Zavi, Google Meeting…; chúng tôi còn tìm kiếm, đôn đốc giáo viên tham khảo cách thiết kế bài giảng điện tử theo chương trình mới, những video clip được các đơn vị bạn xây dựng cho 4 tuần học đầu tiên của học sinh tiểu học…, từ đó thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp của riêng mình. Hiện tại, rất nhiều giáo viên đã chạy thử; tổ chức các hoạt động kết nối, tạo nhóm lớp để tương tác, ôn luyện lại kiến thức cho học sinh và giúp các em làm quen dần với phương pháp học tập mới này. Chỉ mong các gia đình sẽ đồng hành để việc học tại nhà của con em mình đạt hiệu quả”, ông Huỳnh Hữu Nghĩa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú (Phường 7, TP. Bạc Liêu), bày tỏ.

Việc dạy - học trực tuyến chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả như trực tiếp, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận vì đây là giải pháp để “chữa cháy” trong giai đoạn khó khăn này. Chỉ mong khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường trở lại thì ngành Giáo dục sẽ xây dựng các kịch bản ôn tập phù hợp; củng cố lại kiến thức, giúp các em đạt được chuẩn kiến thức - kỹ năng cần có.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.