Giáo dục - Học Đường
Bổ ích chuyên đề ứng dụng STEM vào giáo dục mầm non
Nhằm giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện, tự tin bước vào lớp 1 và có nền tảng vững chắc để khám phá khoa học, nghệ thuật trong tương lai, Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải vừa tổ chức chuyên đề “Ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” cấp huyện, năm học 2024 - 2025 tại Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Định Thành).
Nhiều lợi ích từ phương pháp giáo dục mới
Trong khuôn khổ chuyên đề, các đại biểu được trực tiếp quan sát cơ sở vật chất của Trường mẫu giáo Vàng Anh, tham gia vào 2 hoạt động giáo dục thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức và thẩm mỹ được thực hiện theo phương pháp STEM/STEAM. Cụ thể, đó là hoạt động tìm tòi, khám phá theo quy trình 5E và hoạt động thiết kế kỹ thuật theo quy trình EDP. Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu về cách thiết kế và tận dụng môi trường giáo dục STEM/STEAM cả trong và ngoài lớp học.
Đặc biệt, các trường: mẫu giáo Họa Mi, mẫu giáo Sơn Ca, mẫu giáo Hoa Mai đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về cách hướng dẫn các hoạt động giáo dục STEM/STEAM tại các trường mầm non, các giải pháp để vượt qua những rào cản khi triển khai chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cách tích hợp STEM/STEAM vào kế hoạch giáo dục, và làm thế nào để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chuyên đề này.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải, đơn vị đã quyết định sớm đưa giáo dục STEM/STEAM vào các trường mầm non với mong muốn tạo ra bước tiến mới trong ngành Giáo dục, nhất là trong giai đoạn 6 năm đầu đời quan trọng của trẻ. Phương pháp này được đánh giá cao vì đã giải quyết được nhiều điểm yếu của cách dạy truyền thống. Nhờ những ưu điểm vượt trội, STEM/STEAM giúp trẻ phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn, đồng thời trang bị những kỹ năng thiết yếu để các em có thể thích ứng và phát triển trong bối cảnh thế giới công nghệ ngày càng hiện đại.
Với Trường mẫu giáo Vàng Anh, đơn vị đã triển khai một số biện pháp nhằm “Tích hợp giáo dục STEM/STEAM trong xây dựng Kế hoạch giáo dục tại trường mầm non”. Các giải pháp này bao gồm: xây dựng Kế hoạch phát triển Chương trình giáo dục của trường; định hướng nâng cao chất lượng Kế hoạch thực hiện Chương trình GDMN của các tổ chuyên môn và từng lớp; hướng dẫn giáo viên soạn kế hoạch bài dạy theo phương pháp STEM/STEAM; chỉ đạo việc tạo dựng môi trường học tập có yếu tố STEM/STEAM trong lớp; và tăng cường sự hợp tác với phụ huynh trong các hoạt động giáo dục.
Những nỗ lực triển khai các giải pháp trên đã mang lại những kết quả tích cực. Trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động thực tế, khơi gợi sự tò mò, khả năng sáng tạo và phát triển tư duy logic. Đồng thời, giáo viên cũng nâng cao được trình độ chuyên môn, đổi mới cách dạy và tạo ra một môi trường học tập hứng thú, đầy tính sáng tạo cho trẻ.
Kinh nghiệm cho thấy, để tích hợp STEM/STEAM hiệu quả, các trường cần nâng cao năng lực giáo viên, xây dựng kế hoạch linh hoạt, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp và thường xuyên đánh giá, điều chỉnh.
Các bé Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Định Thành, huyện Đông Hải) tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế theo phương pháp giáo dục STEM/STEAM. Ảnh: Đ.K.C
Thúc đẩy trẻ mầm non phát triển toàn diện
Thực tế đã qua cho thấy, trẻ mầm non thường rất thích khám phá môi trường xung quanh với những điều mới lạ, những điều chưa biết. Vì thế, giáo viên cần tạo môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả giúp trẻ hoạt động tích cực, tạo cơ hội cho trẻ được lĩnh hội kiến thức thông qua các hoạt động trong ngày. Vì vậy, các trường cần khuyến khích giáo viên nghiên cứu, khai thác phương pháp giáo dục STEM/STEAM vào thiết kế môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và tổ chức các hoạt động, phối hợp các đồ chơi hiện đại để phát triển toàn diện cho trẻ.
Nhận thức được điều này, Trường mẫu giáo Vàng Anh và các đơn vị GDMN trên địa bàn huyện Đông Hải đã đầu tư cải thiện môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học. Cán bộ, giáo viên đã hiểu rõ việc thiết kế môi trường STEM/STEAM lấy trẻ làm trung tâm là để trẻ được hoạt động, vui chơi với các đồ chơi, đồ dùng của lớp (chứ không chỉ để trang trí cho đẹp). Các mảng tường được thiết kế ý nghĩa, màu sắc nhẹ nhàng phù hợp với độ tuổi của trẻ và luôn được trang trí theo từng chủ đề, sự kiện, nhất là các dịp lễ hội lớn trong năm…
Có thể thấy, từ môi trường giáo dục được quan tâm đầu tư, trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động. Đa số trẻ tham gia học tập tích cực, hăng hái, vui vẻ trong các hoạt động vui chơi; có ý thức hơn trong việc bảo vệ mội trường, biết giữ gìn sản phẩm của mình, của bạn.
Ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải, cho biết: “Thông qua chuyên đề, các cơ sở GDMN trên địa bàn huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số và phương pháp giáo dục STEM/STEAM cho đội ngũ cán bộ quản ký, giáo viên mầm non. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục tại các cơ sở GDMN, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Chuyên đề khép lại, mở ra một hành trình mới cho sự hợp tác chặt chẽ và trách nhiệm hơn giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, đây còn là cơ hội quý báu để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong huyện cùng nhau vun đắp kiến thức, sẻ chia kinh nghiệm, vì mục tiêu cao đẹp là hướng tới tương lai tươi sáng cho các em thơ.
Kim Trúc
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4