Giáo dục - Học Đường

Cần chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho nghề chăn nuôi

Thứ Sáu, 18/04/2025 | 17:06

Với điều kiện sinh thái đặc thù và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nghề chăn nuôi. Song, thực tế cho thấy một trong những thách thức làm cho nghề chăn nuôi kém phát triển, mới dừng ở tiềm năng là do yếu và thiếu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Năm qua, Bạc Liêu đã phát triển chăn nuôi với đàn gia súc gần 223.990 con (trâu, bò, heo, dê), 3.490.000 con gia cầm… Đồng thời, cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt hơi các loại hơn 54.846 tấn. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể sự phát triển của nghề chăn nuôi của tỉnh có quy mô chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ và manh mún, thiếu tập trung. Đến nay, cả tỉnh chỉ có 8 trang trại chăn nuôi gia công, gồm 5 trang trại heo (3 trại heo trên địa bàn huyện Phước Long, 1 trại heo trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi có quy mô 2.000 - 3.000 con/trại và 1 trại heo trên địa bàn TP. Bạc Liêu có quy mô 10.000 con), cùng 3 trang trại gà trên địa bàn huyện Phước Long với quy mô 12.000 - 18.000 con/trại.

Là tỉnh giàu thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, mỗi năm lượng phế phẩm nông nghiệp thải ra rất lớn. Song, các phế phẩm được xem là nguồn tài nguyên phong phú này lại chưa được tận dụng, khai thác cho phát triển nghề chăn nuôi. Đây là một sự lãng phí và kìm hãm sự phát triển của tỉnh.

Thực tiễn cho thấy, ngoài thiếu những định hướng chiến lược, quy hoạch tổng thể, hạ tầng giao thông, điện, xả thải… thì yếu kém về nguồn nhân lực - những kỹ sư, lao động lành nghề phục vụ cho phát triển chăn nuôi, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… chính là “nút thắt” làm cho nghề chăn nuôi kém phát triển. Do vậy, ngành Nông nghiệp và Môi trường cần xây dựng một chiến lược hay kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Chăn nuôi. Qua đó góp phần tận dụng, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có và không ngừng giúp nông dân, doanh nghiệp tăng thu nhập, lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn theo mô hình sản xuất chuỗi khép kín từ nông trại đến bàn ăn với những sản phẩm thịt, trứng chất lượng, cạnh tranh nhất. Đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp với chỉ tiêu đạt tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 44% trong tổng số lao động toàn tỉnh.

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với các vật nuôi chủ lực như: heo, bò, dê, gà, vịt… Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, cơ cấu lại đàn vật nuôi theo lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái (trâu, bò, dê). Đồng thời phát triển đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường và các đối tượng vật nuôi mới có khả năng phát triển đầy tiềm năng như: cá sấu, chim yến, bồ câu, vịt biển và một số động vật khác. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn heo trong đàn vật nuôi và khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Song song đó, không ngừng nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung và chính sách hỗ trợ thiệt hại khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… Thế nhưng, để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này thì việc tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển chăn nuôi phải tiên phong đi trước một bước.

Một buổi thực hành của sinh viên Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: T.A

ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG CAO

Để góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả thế mạnh này, Khoa Nông nghiệp - Thủy sản của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đang tích cực phát triển nghề Chăn nuôi thú y với trình độ đào tạo gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Chương trình đào tạo nghề Chăn nuôi - Thú y sẽ đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật có trình độ nghề lao động trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ, trang trại và các cơ sở chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp. Người học sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản như: Nêu được tên, chỉ định, cách sử dụng và phối hợp được các nhóm thuốc khác nhau trong thú y để phòng trị bệnh trên gia súc, gia cầm. Mô tả được quá trình quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng gia súc, gia cầm. Trình bày được quy trình chẩn đoán, phòng và điều trị các bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm…

Về kỹ năng, sẽ giải phẫu được gia súc, gia cầm. Thực hiện được việc chọn giống, xây dựng chuồng trại, phối hợp khẩu phần ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm. Chẩn đoán, phòng và trị các bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm thông qua triệu chứng lâm sàng, bệnh tích và dịch tễ. Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị chăn nuôi và các loại thuốc thú y để phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao. Tổ chức, quản lý, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức chăn nuôi nông hộ và tập trung công nghiệp… Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước như: Trung tâm giống gia súc, gia cầm, Trung tâm khuyến nông, Chi cục thú y, cơ quan, ban, ngành có liên quan và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất chăn nuôi lớn. Hoặc làm nhân viên kỹ thuật, hay bộ phận kinh doanh trong các công ty thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y hoặc trang trại chăn nuôi nông hộ, trang trại chăn nuôi công nghiệp. Hoặc cũng có thể tự đăng ký thành lập đại lý thuốc thú y, thức ăn, trang trại chăn nuôi và sản xuất giống chăn nuôi…

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp ra trường học sinh có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học với các ngành như Chăn nuôi, Thú y…

..................................................................................................................................................................................................................................

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tuyển sinh năm 2025 với hình thức xét tuyển thường xuyên như sau:

Trình độ cao đẳng: Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thủy sản, Thú y, Kế toán, Quản trị bán hàng, Thiết kế đồ họa, Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Diễn viên kịch - điện ảnh, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị marketing.

Trình độ trung cấp: Kế toán doanh nghiệp, Kế toán tin học, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản, Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Công nghệ thông tin, Tin học ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật phần mềm máy tính, Thiết kế đồ họa, Pháp luật, Văn thư hành chính, Văn thư - Lưu trữ, Thanh nhạc, Hội họa, Thư viện, Sáng tác âm nhạc, Kỹ thuật chế biến món ăn.

* Đối tượng tuyển sinh: Đã tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên.

* Miễn 100% học phí cho thí sinh tốt nghiệp THCS.

* Giảm 70% học phí cho thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển các ngành: Thú y, Chăn nuôi - Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản, Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Kỹ thuật chế biến món ăn và Thanh nhạc.

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.