Giáo dục - Học Đường

Cần có chính sách hợp lý cho giáo dục mầm non

Thứ Sáu, 19/05/2023 | 16:38

Tại Hội thảo “Xây dựng và khai thác sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non (MN)” Cụm thi đua số 8 gồm 12 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Sở GD-ĐT Bạc Liêu đăng cai tổ chức, ngoài các tham luận về hiệu quả của chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” thì đại biểu các tỉnh, thành cũng rất quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho bậc học này.

Bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long phát biểu tại hội thảo.

Nỗ lực thực hiện tốt chuyên đề

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Bạc Liêu, năm học 2021 - 2022, ngành đã tổ chức triển khai Kế hoạch 626, ngày 30/6/2021 của Bộ GD-ĐT về việc triển khai chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021 - 2025” đến Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường MN, mẫu giáo (MG); đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyên đề này. Ngoài ra, nội dung xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm cũng được Sở đưa vào trong Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học hằng năm để các đơn vị triển khai thực hiện.

Năm học 2021 - 2022, tỉnh Bạc Liêu có 84 trường MN, MG, trong đó có 76 trường công lập, 8 trường ngoài công lập và 19 nhóm, lớp độc lập tư thục với 25.547 trẻ/871 nhóm, lớp, đạt tỷ lệ 59,05%. Tỷ lệ huy động đối với trẻ nhà trẻ đạt 12,1% (so với khu vực ĐBSCL thấp hơn 2,4%; so với cả nước thấp hơn 16,2%), trẻ MG đạt tỷ lệ 76,54% (so với khu vực ĐBSCL thấp hơn 0,7%; so với cả nước thấp hơn 12,9%). Có 100% trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp. Tỷ lệ huy động trẻ ngoài công lập đạt 8,59%.

Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trường MN, MG. Tuy nhiên, khoảng cách từ trung tâm xã đến các ấp quá xa đối với trẻ nên còn nhiều điểm lẻ có lớp MG gắn trong các trường tiểu học (nhiều nhất là Trường MN Yến Xuân, huyện Hồng Dân có 5 điểm lẻ).

Tính đến năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 84/84 trường MN, MG triển khai thực hiện chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trong đó có 3 trường MN, MG điểm cấp tỉnh, 21 trường MN, MG điểm cấp huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, có một số địa phương còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp, nhưng đã cố gắng khai thác thế mạnh của địa phương để triển khai thực hiện chuyên đề đạt hiệu quả.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, hội thi, hội thảo… thường xuyên tại các cơ sở giáo dục MN thực hiện mô hình điểm để rút kinh nghiệm, cũng như tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên MN cốt cán tham quan hoạt động thực tế, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai chuyên đề.

Các cơ sở giáo dục MN thực hiện mô hình điểm cũng đã vận dụng các nội dung trọng tâm của tiêu chí mới trong chuyên đề vào việc xây dựng môi trường giáo dục, kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tổ chức các hoạt động, cách thức theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ, cách thức phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để cán bộ quản lý, giáo viên MN của các đơn vị về trao đổi, thảo luận các nội dung mới của chuyên đề và cách tiến hành áp dụng các tiêu chí, đánh giá kết quả thực hiện trên từng hoạt động cũng được thảo luận, rút ra những kinh nghiệm mới, những cách làm hay.

Sau mỗi năm học, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT đều có tổ chức các hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kế hoạch thực hiện, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng cho các cơ sở giáo dục MN.

Đại biểu các tỉnh, thành phố tham quan cơ sở vật chất Trường mầm non Bạc Liêu (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K

Giáo dục MN còn nhiều bất cập

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết nhiều năm qua, giáo dục MN các tỉnh, thành trong cụm đã có những giải pháp hay, mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội. “Có được kết quả đó là nhờ cán bộ quản lý, giáo viên MN yêu nghề, tận tâm, tận lực với công việc. Thật sự, nếu giáo viên MN không yêu nghề, không mến trẻ thì không làm được nhiệm vụ này”, bà Nhuận nhận định.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL thiếu giáo viên MN, như Bến Tre thiếu hơn 600 giáo viên. Theo bà Nhuận, thiếu như vậy là do biên chế bị cắt giảm hằng năm, hoặc nếu được phân biên chế cũng không đủ nguồn tuyển dụng.

Song song đó, chính sách dành cho giáo viên MN chưa hợp lý, như: lương thấp nhất so với giáo viên ở các cấp học khác; giờ làm việc lại nhiều hơn; đặc thù công việc 3 nhiệm vụ một lúc (nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục) nhưng phụ cấp ưu đãi chỉ 35%, bằng với các bậc học khác… “Do đặc thù công việc nên giáo viên MN áp lực rất lớn, không chỉ đến trường đối diện với phụ huynh, phải đảm bảo an toàn cho trẻ, mà về nhà còn đối diện với những áp lực gia đình”, bà Nhuận nêu thực tế.

Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng gợi mở các địa phương nên tham mưu cho cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh có chính sách đặc thù cho giáo viên MN: “Tỉnh nào nguồn lực lớn thì hỗ trợ nhiều, nguồn lực ít thì hỗ trợ ít. Như tỉnh Vĩnh Long đang tham mưu chính sách hỗ trợ hằng tháng khoảng 0,3% mức lương cơ sở. Nếu tính theo mức lương tăng từ tháng 7 thì hỗ trợ được 540.000 đồng/tháng. Đây cũng là sự quan tâm của tỉnh đối với giáo viên MN, làm động lực để các giáo viên cống hiến”.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho rằng đặc thù của giáo viên MN về công việc, thời gian… yêu cầu rất cao. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho đối tượng này đang rất thiệt thòi. Nói riêng về tăng tuổi nghỉ hưu, theo bà Diễm, đây là một vấn đề đối với giáo viên MN rất cần được xem xét lại. “Vừa rồi, khi lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ GD-ĐT có đề xuất đối với giáo viên MN cần xem xét không phải đến 60 tuổi mới nghỉ hưu, mà có thể 55 tuổi là đủ thời gian nghỉ hưu. Đề xuất này được sự đồng thuận rất cao. Bởi vì các cô giáo MN khi lớn tuổi, với yêu cầu các hoạt động văn hóa - văn nghệ về mặt hình thể thì đặc thù các bé MN không phù hợp, khi các bé rất thích cô giáo trẻ”, bà Diễm chia sẻ.

Bà Trương Thanh Nhuận nói thêm về tuổi nghỉ hưu của giáo viên MN: do đặc thù công việc áp lực cao nên các cô giáo MN mong được nghỉ hưu sớm. Hơn nữa, tới một độ tuổi nào đó thì các cô không thể làm tốt như các cô giáo trẻ. Vì vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng kiến nghị thang bảng lương cho giáo viên MN phải phù hợp với đặc thù công việc. Tỉnh cũng rất ủng hộ với mong muốn phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên MN ở vùng bình thường là 70% và vùng khó khăn là 100%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Sở GD-ĐT thì về các chế độ chính sách và tuổi nghỉ hưu như nói trên, hiện chưa có một tín hiệu chính thức nào. Các địa phương hy vọng cấp thẩm quyền sẽ sớm xem xét để góp phần giảm bớt áp lực cho giáo viên MN.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN (Bộ GD-ĐT), cho biết với các kiến nghị, đề xuất trên, Vụ sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để từng bước xem xét và có những giải pháp hợp lý.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.