Giáo dục - Học Đường
Cho trẻ tham quan di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng: Cách làm hay trong giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương
Để góp phần hình thành trong thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống cách mạng của ông cha, tình yêu quê hương đất nước, sự am hiểu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn ngay từ lúc nhỏ, mới đây các trường mầm non ở TX. Giá Rai đã tổ chức nhiều chuyến tham quan ý nghĩa tại Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng. Qua đó giúp trẻ có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt vời từ thực tế, đồng thời hòa mình vào các hoạt động tập thể thú vị.
Các bé Trường mẫu giáo Hướng Dương (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) tham quan Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng. Ảnh: Đ.K.C
Đến với di tích, các em nhỏ được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển và quá trình gìn giữ, tôn tạo lại khu di tích. Các bé còn được cô đưa đi tham quan, tìm hiểu các khu vực trong khuôn viên như: Nhà lưu niệm - nơi trưng bày các hiện vật của cuộc chiến đấu năm xưa; mô hình cánh đồng tái hiện lại cảnh sinh hoạt của nông dân thuở ấy; mô hình đấu tranh của nông dân Bạc Liêu chống lại bọn địa chủ và thực dân - tái hiện lại sự kiện Đồng Nọc Nạng năm 1928 và khu mộ của gia đình ông Mười Chức… Thuyết minh viên tại khu di tích chia sẻ: “Nhìn những gương mặt trẻ thơ vừa thích thú, vừa tò mò xen lẫn những câu hỏi đáng yêu mỗi khi bắt gặp những nông cụ trong nhà lưu niệm, hay những mẫu vật được phục dựng trên cánh đồng… khiến tôi phải hoạt động, giải thích không ngừng nghỉ. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, rất tự hào khi vinh dự được là người dẫn chuyện, kể cho các cháu nghe về truyền thống chiến đấu ngoan cường, không khuất phục trước cái ác và cái xấu của ông cha mình. Đây là "đoàn khách" đặc biệt nhất, để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất từ khi tôi làm thuyết minh viên tại khu di tích này”.
Hoạt động được các trẻ trông đợi nhất là chụp ảnh lưu niệm và tham gia các trò chơi dân gian tập thể như mèo đuổi chuột, nhảy lò cò… Khi được các cô hỏi các con có cảm thấy vui và muốn trở lại di tích tham quan nhiều lần hơn nữa hay không, các bé đều đồng thanh “có ạ!”. Có thể thấy, ngoài giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng địa phương, hoạt động tham quan ý nghĩa này còn mang đến cho trẻ nhiều trải nghiệm bổ ích trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp như biết chào hỏi người lớn; khi đến thăm các khu di tích thì phải đi nhẹ nhàng, không đùa nghịch. Ngoài ra, trẻ còn được giáo dục một số thói quen văn minh như không vứt rác bừa bãi, vẽ bậy ở nơi công cộng… Dù thời gian tham quan khu di tích không được nhiều, nhưng nhìn vào những gương mặt rạng ngời, hứng khởi của các bé thì đủ biết hoạt động tham quan lần này thành công như thế nào!
Việc tổ chức tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử tại địa phương là cách làm hay trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hình thành tình yêu quê hương ngay từ độ tuổi mẫu giáo đang được các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TX. Giá Rai duy trì. Sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực mang lại từ hoạt động này là rất lớn nên nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh đang học tập, nhân rộng.
Kim Trúc
- Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đến thăm, chúc mừng lễ Giáng sinh năm 2024 tại Bạc Liêu
- Lãnh đạo tỉnh thăm Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
- Huyện Đông Hải: Thăm và tặng quà cho gia đình chính sách
- Huyện Hòa Bình: Trên 300 trẻ được trải nghiệm “Bé làm chiến sĩ tí hon”
- Huyện Vĩnh Lợi: Hiến 129 đơn vị máu tình nguyện