Giáo dục - Học Đường
Chuẩn bị tâm lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là học sinh (HS) khối 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong giai đoạn ôn tập nước rút này, không ít HS rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Nếu tình trạng kéo dài thì rất dễ làm suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến kết quả ôn luyện, thi cử. Thế nên, bên cạnh việc ôn tập kiến thức, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi cũng không kém phần quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - Phạm Ngọc Thưởng động viên tinh thần học sinh lớp 12 Trường THPT Bạc Liêu trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Học cách cân bằng
Sau hơn 2 giờ tự học tại nhà buổi chiều, Nguyễn Khánh Linh (12C4, Trường THPT Giá Rai, TX. Giá Rai) rời bàn học, bước chân ra trước nhà để hít thở không khí trong lành và tập thể dục nhẹ. Đây là việc làm đều đặn được Khánh Linh duy trì từ lúc bắt đầu khởi động cho hành trình “vượt vũ môn”. Khánh Linh chia sẻ: “Học quá nhiều trong một khoảng thời gian quá lâu cũng không tốt. Bởi vậy, em chọn việc vận động để giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng sau một thời gian dài ngồi học tập trung. Những lúc ấy thì vận động nhẹ nhàng bằng các bài thể dục sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cân bằng tâm lý một cách dễ dàng”.
Theo Khánh Linh, việc cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi là điều mà các thầy cô trường em luôn dặn dò trước các kỳ thi quan trọng. Thế nên, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là chuẩn bị về mặt kiến thức, mà còn phải chuẩn bị cả về tinh thần. Bởi vậy, ngoài vận động bằng những bài thể dục nhẹ nhàng, Khánh Linh còn xem phim hài, nghe nhạc để thư giãn, hạn chế sử dụng mạng xã hội hoặc tiếp nhận những thông tin tiêu cực từ Internet. Không chỉ vậy, Linh còn học nhóm cùng bạn bè để tăng tương tác, tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực, tinh thần chăm chỉ từ các bạn để động viên bản thân tiếp tục cố gắng.
Hiểu được những áp lực lớn từ việc học hành, nhất là giai đoạn ôn thi nước rút của con, vợ chồng chị Trần Khánh Phương (Phường 3, TP. Bạc Liêu) chưa bao giờ tạo thêm áp lực hoặc đặt kỳ vọng quá lớn khiến con trai bị tâm lý. Mà vợ chồng chị luôn tìm cách trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ với con nhiều hơn để cùng con có tiếng nói chung, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong ôn tập. Chị Khánh Phương bộc bạch: “Giai đoạn này, tôi chọn cách theo dõi chế độ dinh dưỡng của con, bổ sung thêm những thực phẩm dinh dưỡng để giúp con tăng cường sức khỏe. Những lúc con mải mê ôn tập đến tận khuya, tôi cũng động viên để con ngủ sớm và ôn vào hôm sau để không ảnh hưởng nếp sinh hoạt, khả năng tập trung. Mỗi khi con thi thử kết quả không như mong muốn, vợ chồng tôi luôn ở bên để động viên con cố gắng nhiều hơn vào lần sau… chớ không hề quở trách. Nhờ vậy, dù ôn nước rút nhưng tâm lý của con rất vui vẻ, thoải mái”.
Gặp gỡ, tương tác cùng bạn bè cũng là cách hay để giải tỏa áp lực thi cử. Ảnh: K.C
Đừng tạo thêm áp lực
Là thủ khoa khối B00 của tỉnh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trần Việt Phúc (hiện là sinh viên ngành Y đa khoa - Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) có một số “bí quyết” hay để giảm áp lực thi cử. Đó là biết cách duy trì thói quen cân bằng giữa học tập và vui chơi, thư giãn. Theo đó, vào các buổi tối, sau khi dành hơn 1 giờ để tự học thì Phúc sẽ nghe nhạc không lời, xem phim hài hoặc vận động nhẹ từ 10 -15 phút để thư giãn đầu óc. Ngoài thời gian học, Phúc còn tranh thủ gặp gỡ bạn bè, cùng chơi một vài môn thể thao yêu thích để xua đi căng thẳng.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước các kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực như: kỳ vọng của gia đình, kỳ vọng của bản thân, thiếu sự quan tâm từ gia đình, không được người thân hiểu đúng về tâm lý lứa tuổi… Những áp lực tuy vô hình nhưng mang tính “sát thương” cao này sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thể chất HS khiến các em căng thẳng, giảm tập trung, sa sút trí nhớ, thậm chí mất ăn mất ngủ và ngã bệnh…
Bởi vậy, trong giai đoạn nước rút này, điều quan trọng nhất là mỗi HS nên học cách duy trì trạng thái tâm lý bình tĩnh thông qua việc phân chia, sắp xếp thời gian hợp lý; tìm ra điểm chưa tốt của bản thân để khắc phục, giảm lo âu. Nếu quá áp lực thì phải sẻ chia ngay với bạn bè, người thân và tự động viên mình bằng những câu chuyện truyền cảm hứng.
Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, học cách cân bằng cảm xúc, chiến thắng mọi nỗi sợ của bản thân cũng là hành trang quý để các bạn trưởng thành, vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với kết quả tốt nhất.
Kim Trúc
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người