Giáo dục - Học Đường
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh nhiều lựa chọn, trường sợ thiếu giáo viên
Từ năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới (còn gọi là CTGDPT 2018) sẽ được áp dụng cho học sinh (HS) khối lớp 10. Theo đó, ngay từ năm học 2021 - 2022, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, với những quy định mới khi thực hiện chương trình này thì các trường và cả phụ huynh, HS cũng đang gặp không ít khó khăn.
Sở GD-KH&CN tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 10 theo CTGDPT mới đến với các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tổ hợp môn để HS lựa chọn
Theo Bộ GD-ĐT, CTGDPT 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của HS. Chương trình lớp 10 có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh), Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Tiếp theo, HS chọn học 3 chuyên đề là nhóm 3 môn định hướng theo các môn của khối thi đại học, cao đẳng gồm khối A, B, A1, D, D7, C. Các chuyên đề này nhằm phân hóa sâu, tăng cường kiến thức cho HS.
Các môn học tự chọn gồm 3 nhóm: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Ngoài ra còn có 2 môn học tự chọn khác nữa là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS sẽ lựa chọn thêm 5 môn học từ 3 nhóm môn trên (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học). Như vậy, ở chương trình mới, HS được lựa chọn môn học và không bắt buộc phải học hết tất cả các môn trong nhóm môn tự chọn. Tính sơ bộ sẽ có hơn 100 tổ hợp môn lựa chọn.
Việc cho phép HS được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường “bài toán” khó trong khâu tuyển sinh cũng như nguy cơ xảy ra tình trạng giáo viên môn này quá tải, còn giáo viên môn khác không có việc làm.
Nguyên nhân là HS sẽ được lựa chọn các tổ hợp môn tự do, không khống chế số lượng lớp học. Sau đó các trường sẽ linh động sắp xếp lớp tùy theo số lượng HS đăng ký. Do đó, nếu như HS đăng ký vào lớp Khoa học Xã hội nhưng có những môn chỉ có 10 HS thì nhà trường sẽ phải bố trí học ghép lớp. Khi đó, thời khóa biểu cũng sẽ được bố trí làm sao để HS vẫn học được môn mong muốn dù lớp không đủ chỉ tiêu. Đây là một bài toán mà các trường phải lên thuật giải sao cho thích hợp.
Trường THPT Bạc Liêu hướng dẫn việc chọn tổ hợp môn cho HS khi nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 tại đơn vị. Ảnh: C.K
Định hướng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị
Do có quá nhiều tổ hợp môn để HS lựa chọn trong khi đó cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… của từng trường là khác nhau, nên các trường không thể để cho HS tự lựa chọn theo quy định mà phải tiến hành “định hướng” các tổ hợp môn phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Sự linh hoạt này phần nào giúp các trường không còn rối khi thực hiện CTGDPT mới.
Đơn cử như tại Trường THPT Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu), căn cứ vào điều kiện thực tế, năm học 2022 - 2023 trường tuyển mới 13 lớp 10 với trên 500 HS (được Sở GD-KH&CN phê duyệt). Theo kế hoạch thực hiện CTGDPT mới của trường thì tất cả HS của 13 lớp này sẽ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định (gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương). Tuy nhiên, về môn học và chuyên đề lựa chọn thì sẽ khác nhau.
Cụ thể, có 5 lớp học các môn lựa chọn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học; chuyên đề học tập lựa chọn với các môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý. Có 4 lớp học các môn lựa chọn là Vật lý, Hóa học, Công nghệ, Địa lý, Tin học; chuyên đề học tập lựa chọn gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Hóa học. Có 2 lớp học các môn lựa chọn là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học, Công nghệ; chuyên đề học tập lựa chọn là các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử. Có 2 lớp học các môn lựa chọn là Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Âm nhạc, Mỹ thuật; chuyên đề học tập lựa chọn với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường THPT Bạc Liêu, cho biết: “Do chủ động xây dựng kế hoạch nên từ khi triển khai công tác tiếp nhận hồ sơ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023, trường đã hướng dẫn phụ huynh và HS điền thông tin đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn theo định hướng của đơn vị. Do đó, khi tiến hành xếp lớp sau khi có kết quả trúng tuyển vào lớp 10 của HS thì trường cũng gặp thuận tiện hơn. Trước rất nhiều sự lựa chọn, nhiều thông tin chưa chính thống, HS cần sáng suốt lựa chọn tổ hợp cho mình nhằm đảm bảo định hướng khối thi đại học, cao đẳng. Trường luôn ưu tiên để HS tự lựa chọn, song cũng định hướng HS đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất”.
Châu Khánh
- Cần khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của TP. Bạc Liêu
- Chủ động tiêu úng, bảo vệ mùa vụ
- Tăng cường phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên - thanh niên
- Giải pháp nào cho người hút thuốc thụ động?
- Đấu tranh phản bác những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng