Giáo dục - Học Đường
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2025: Cần phải có chiến thuật
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2025 có nhiều đổi mới, nên bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, lựa chọn ngành nghề thì thí sinh (TS) cần quan tâm đặc biệt đến việc đặt nguyện vọng (NV) xét tuyển. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành nghề bản thân yêu thích, ngay từ bây giờ TS Bạc Liêu cần xây dựng cho mình “chiến thuật” đăng ký NV hợp lý, trên cơ sở cân nhắc thêm vào điều kiện tài chính của gia đình.
Lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia để chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội đậu vào ngành, trường mình yêu thích. Ảnh: Đ.K.C
Ưu tiên NV đầu cho trường, ngành mình thích nhất
TS Huỳnh Hoàng Dũng (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Em dự định học ngành Công nghệ thông tin, nên đã chuẩn bị từ lớp 11. Mặc dù kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khá tốt, nhưng em vẫn lo lắng về việc sắp xếp NV sao cho phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích”.
Thấu hiểu lo lắng chung của TS, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyến cáo, yếu tố tiên quyết để tăng cơ hội trúng tuyển đúng ngành, trường yêu thích là TS cần sắp xếp NV theo thứ tự hợp lý. Theo đó, NV đầu tiên nên dành cho trường và ngành yêu thích nhất, dù điểm chuẩn cao. NV 2 nên là một trường có ngành yêu thích nhưng mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, giúp tăng khả năng trúng tuyển. Các NV tiếp theo nên chọn trường phù hợp với năng lực, có cơ hội trúng tuyển cao và cân nhắc các ngành liên quan. Ví dụ như dự định chọn ngành Công nghệ thông tin, thì có thể cân nhắc thêm các ngành Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin hoặc Hệ thống thông tin quản lý. NV cuối nên dành cho trường có điểm chuẩn vừa sức, đảm bảo đậu.
Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, TS có thể dùng các phương thức khác như xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT…), hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ các đại học lớn.
Việc chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp cũng quan trọng. Nếu mạnh về tiếng Anh, TS nên chọn tổ hợp có môn ngoại ngữ này để tăng lợi thế. TS cũng nên chọn trường mạnh về ngành yêu thích, cơ sở vật chất tốt, quan hệ tốt với doanh nghiệp để đảm bảo cơ hội thực tập và việc làm sau này. Ngoài ra cũng nên cân nhắc học phí, vị trí địa lý và chương trình đào tạo.
Để xây dựng một chiến lược đặt NV thông minh, trước hết TS cần hiểu rõ quy tắc xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Theo đó, mỗi TS có quyền đăng ký nhiều NV theo thứ tự ưu tiên. Khi trúng tuyển NV 1, các NV sau sẽ không được xét tiếp. Ngược lại, hệ thống sẽ tiếp tục xét đến NV kế tiếp. Quan trọng nhất là các TS cần lưu ý nguyên tắc “vòng lặp công bằng” - tức là nếu một TS không trúng tuyển ở NV đầu, khi xét đến NV tiếp theo, TS đó sẽ cạnh tranh bình đẳng với tất cả TS khác cùng đăng ký vào ngành đó. Quá trình này diễn ra qua nhiều vòng xét tuyển, và chỉ đến vòng xét cuối cùng, TS mới được xác định có trúng tuyển hay không.
Kết hợp hài hòa giữa năng lực, đam mê và nhu cầu thị trường
“Lựa chọn ngành học phù hợp không chỉ là quyết định cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng cho tương lai sự nghiệp” - một giáo viên giàu kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp tại huyện Hồng Dân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa năng lực, đam mê và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Theo đó, xét ở góc độ năng lực cá nhân, việc chọn ngành học phù hợp với năng lực giúp TS phát huy thế mạnh và đạt kết quả tốt trong học tập. Ngược lại, nếu chọn ngành quá sức có thể dẫn đến áp lực, chán nản và bỏ cuộc giữa chừng. Nhìn ở góc độ đam mê và sở thích thì việc học được ngành yêu thích tạo động lực và niềm vui, giúp TS vượt qua khó khăn và phát triển bản thân. Nhưng nếu chỉ chạy theo xu hướng mà thiếu đam mê thật sự thì sẽ khiến TS nhanh chóng mệt mỏi và mất động lực. Còn ở góc độ nhu cầu thị trường lao động, việc lựa ngành có nhu cầu cao giúp TS dễ dàng tìm được việc làm với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xu hướng nghề nghiệp sẽ thay đổi theo thời gian, do đó cần trang bị thêm kỹ năng mềm để thích ứng.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng chiến lược đặt NV thông minh đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa năng lực, đam mê và nhu cầu thị trường. Điều này giúp TS vừa có động lực học tập, vừa tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Song, việc cân bằng giữa 3 yếu tố kể trên không hề đơn giản, nên khi lựa chọn ngành học TS cần cân nhắc thêm các yếu tố khác. Đó là cần xem xét năng lực của bản thân để đảm bảo có thể theo học và đạt kết quả tốt trong ngành đã chọn. Đồng thời, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng là một yếu tố không thể bỏ qua, bởi chi phí học tập và điều kiện tài chính có thể ảnh hưởng đến quá trình học đại học.
Ngoài ra, định hướng từ gia đình và xu thế xã hội cũng là những yếu tố đáng cân nhắc. Nếu gia đình có truyền thống trong một lĩnh vực nhất định, việc tiếp nối truyền thống có thể là một lợi thế lớn. Tương tự, nếu xã hội có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong một số ngành thì việc lựa chọn ngành học theo xu hướng này cũng có thể mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Nhìn chung, một chiến lược đặt NV hợp lý không chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất mà cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Khi xây dựng được chiến thuật và có quyết định phù hợp, TS không chỉ tăng khả năng trúng tuyển mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Kim Trúc
- Bạc Liêu thăm và chúc Tết tại Campuchia và Lào
- Đoàn Cựu chiến binh Hải quân tỉnh Nghệ An viếng các di tích lịch sử tại Bạc Liêu
- Họp mặt hơn 660 đại biểu nhân Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây 2025
- Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh: Bàn giao nhà nhân ái cho hộ bà Trần Thị Sà Ươl
- Hội nghị Trung ương 11: Cho ý kiến đối với 15 nội dung, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính