Giáo dục - Học Đường
Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số: Những tín hiệu vui
Sở GD-ĐT vừa sơ kết công tác thực hiện giai đoạn 2 Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS), trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Thực tế cho thấy, đa số đồng bào DTTS đồng tình, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tiểu học thực hiện dạy học tăng cường tiếng Việt cho con em mình.
Học sinh dân tộc Khmer biểu diễn nghệ thuật múa của dân tộc tại hội nghị sơ kết giai đoạn 2 Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ do Sở GD-ĐT tổ chức tại huyện Hòa Bình.
Quan tâm thực hiện Đề án
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch 42 về giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Song song với việc triển khai Kế hoạch 42, ngành Giáo dục tỉnh còn đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp tiểu học trực tiếp dạy học tăng cường tiếng Việt cũng như các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS…
Nội dung tập huấn, bồi dưỡng bám sát việc thực hiện dạy học tăng cường tiếng Việt theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hình thức bồi dưỡng, tập huấn đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các nội dung về dạy học tăng cường tiếng Việt được các đơn vị đưa vào kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch sinh hoạt chuyên môn để trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Ở đầu mỗi năm học, ngành luôn chỉ đạo các đơn vị rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer trước khi phân công nhiệm vụ năm học mới. Qua đó, giáo viên được phân công dạy học là những giáo viên có năng lực, tâm huyết. Nguyên tắc phân công là ưu tiên giáo viên là người dân tộc Khmer hoặc giáo viên biết tiếng Khmer… Theo thống kê, ở cấp tiểu học, toàn ngành hiện có 11 cán bộ quản lý (4 hiệu trưởng, 7 phó hiệu trưởng), 123 giáo viên và 23 nhân viên là người dân tộc Khmer.
Từ sự chuẩn bị chu đáo, trong những năm học qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án thì hoạt động tăng cường tiếng Việt được các trường học tổ chức rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện của trường, địa phương… Từ đó, học sinh DTTS dần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất theo mục tiêu chương trình môn tiếng Việt cấp tiểu học. Thông qua các tiết dạy học tăng cường môn tiếng Việt, học sinh DTTS đã có vốn tiếng Việt phong phú, hiểu được nội dung, đáp ứng yêu cầu của môn học, góp phần rất lớn vào việc các em hoàn thành chương trình học tập.
Ngoài được hưởng các chế độ, chính sách vùng DTTS từ các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định, hằng năm, các trường học đều ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để nâng cấp, sửa chữa trường lớp, trang bị sách, tài liệu, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học… phục vụ cho giáo viên giảng dạy tăng cường tiếng Việt.
Đều đáng ghi nhận là một số cán bộ, giáo viên công tác tại vùng có đông đồng bào DTTS trong tỉnh đã có ý thức tích cực tham gia các lớp đào tạo chính quy hoặc tự học tiếng Khmer cũng như tìm hiểu về các kiến thức, về phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa… của đồng bào để thuận tiện trong giao tiếp, phục vụ công tác dân vận, quản lý, dạy học trên địa bàn phụ trách.
Học sinh dân tộc Khmer tham gia hoạt động giao lưu tiếng Việt do Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: C.K
Nhiều tín hiệu tích cực
Từ sự tích cực thực hiện Đề án đã giúp các trường đạt nhiều thành tích trong dạy và học. Theo ngành Giáo dục, từ khi triển khai thực hiện Đề án, các em học sinh DTTS đã tiến bộ hơn về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong học tập. Cụ thể là số học sinh đọc, viết thường thêm dấu hoặc bỏ dấu ở một số từ ngữ (viết sai chính tả - PV) đã giảm nhiều. Qua học tăng cường tiếng Việt, các em cũng đã tự tin hơn trong giao tiếp, phát biểu trên lớp cũng như chủ động tham gia vào các hoạt động chung của lớp, của trường… Các em đã biết giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động văn nghệ, trong các dịp tết, lễ hội của đồng bào dân tộc… Từ đó đã tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn, góp phần thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”…
Về chất lượng giáo dục, trong năm học 2021 - 2022, có 95,7% học sinh DTTS hoàn thành chương trình lớp học (tỷ lệ chung của cấp tiểu học toàn tỉnh là 96,7%). Trong đó, xếp loại hoàn thành tốt môn Tiếng Việt là 49,42%, hoàn thành là 47,57%, chưa hoàn thành chỉ có 3,01%.
Còn trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 5.619 học sinh tiểu học là người dân tộc Khmer. Trong đó có 5.472 học sinh tiểu học ở vùng có đông đồng bào DTTS của 57 trường tiểu học với 909 lớp được dạy học tăng cường tiếng Việt (có 1.440 học sinh được học tiếng Khmer trong nhà trường). Theo đánh giá, có 5.478 học sinh tiểu học DTTS hoàn thành chương trình lớp học, chương trình tiểu học, đạt 97,49%. Cụ thể, có 2.306 học sinh hoàn thành tốt (40,10%), 3.162 học sinh được xếp loại hoàn thành môn Tiếng Việt (56,10%)…
Châu Khánh
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
- Khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc thiểu số: Những kết quả tích cực