Giáo dục - Học Đường

Diện mạo giáo dục thời đại số

Thứ Sáu, 29/04/2022 | 17:05

Bốn mươi bảy năm kể từ ngày non sông thống nhất, đặc biệt là thời gian sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã và đang từng bước trưởng thành, có những bước tiến nhảy vọt để kiến tạo nên một diện mạo mới - diện mạo giáo dục thời đại số. Đó là bước chuyển mình từ sự chỉ đạo đúng hướng để vươn lên, linh hoạt thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh của thời đại nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân đối với sự nghiệp “trồng người” trong tình hình mới.

Ngành Giáo dục họp trực tuyến để nhận định những khó khăn trong năm học 2021 - 2022.

Tự hào những thành tựu đã qua

Năm 1976, toàn tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) chỉ có 142 trường học (trong đó đa phần là những phòng học được xây dựng tạm bợ bằng cây lá địa phương), với quy mô hơn 100.000 học sinh. Trong tình hình ấy, ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập trong muôn vàn khó khăn, thách thức. Sự nghiệp GD-ĐT luôn phải đối diện với tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trường lớp dẫn đến tình trạng lớp học ca ba, lớp ghép; phòng ốc xập xệ, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn nhiều hạn chế. Nghiêm trọng hơn hết vẫn là tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên THPT)…

Đối mặt với hàng loạt công việc phải làm trong những ngày đầu chia tách, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương chậm đầu tư phát triển thị xã tỉnh lỵ, dồn nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình trường học. Vận dụng phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sau 2 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã cơ bản xóa bỏ tình trạng lớp học ca ba, phòng học tạm bợ bằng cây lá địa phương. Tháng 10/1998, Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ. Và đến năm 2004, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về giáo viên cho các ngành học, bậc học…

Nhiều năm qua, việc quan tâm đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục không còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương, mà đây chính là sự nghiệp chung của toàn xã hội khi Bạc Liêu đã khéo léo huy động được sức dân, tranh thủ được lòng dân cùng chung tay vun đắp sự nghiệp “trồng người”. Không chỉ có hiến đất để cùng Đảng, Nhà nước xây dựng điện - đường - trường - trạm, nâng cao mặt bằng dân trí, “thay da đổi thịt” xóm làng, mà người người, nhà nhà còn đóng góp sức người, sức của, động viên nhau quan tâm hơn đến sự nghiệp GD-ĐT, dồn mọi tâm sức để con em được học hành đến nơi đến chốn.

Hàng loạt nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị xuất phát từ tâm huyết, mang tầm chiến lược ra đời đã giúp ngành Giáo dục từng bước tháo gỡ những khó khăn, thay đổi diện mạo và gặt hái được những thành tựu đáng trân trọng trên tất cả mọi phương diện. Minh chứng là sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, số trường lớp ở Bạc Liêu đã phát triển lên đến 288 trường; trong đó có 204 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng của tỉnh cũng đang phát huy vai trò, vị thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ tăng mạnh về “lượng”, GD-ĐT tỉnh nhà còn không ngừng cải thiện về “chất”. Theo đó, chất lượng giáo dục các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước năm 2008. Nỗ lực này đã giúp Bạc Liêu trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đồng thời duy trì và phát triển tốt chất lượng của công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc tiểu học, THCS. Đặc biệt, năm 2021 cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu 5 năm liên tiếp Bạc Liêu nằm trong tốp 10 cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp và điểm trung bình các môn thi THPT…

Thầy và trò tỉnh Bạc Liêu đã thích ứng với việc dạy - học trực tuyến. Ảnh: Đ.K.C

Tự tin với những bước tiến mới

Chưa trọn niềm vui khi Bạc Liêu dần thoát ra khỏi “vùng trũng” giáo dục thì “bão COVID-19” ập đến, càn quét và gây ra những thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Song, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những nhà quản lý đã cho thấy tư duy linh hoạt, ứng phó nhanh với các tình huống phát sinh khi kịp thời giảm tải chương trình, điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học; ban hành quy chế thi THPT, tuyển sinh phù hợp với tình hình mới…

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN, bày tỏ: “Một sự thay đổi mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy là các nhà giáo dường như cũng năng động hơn khi bắt đầu rời bục giảng truyền thống, xuất hiện đầy tự tin trên sóng truyền hình, mạng Internet để mang đến cho học trò những bài giảng đầy tâm huyết. Đây cũng là bước đệm để cả thầy lẫn trò vượt qua rào cản của lối dạy truyền thống, làm quen với môi trường giảng dạy, học tập mới theo xu hướng 4.0. Môi trường học tập mà ở đó cả thầy lẫn trò đều phải không ngừng thích nghi, không ngừng vận động để không bị tụt hậu so với thời đại mới”.

Sau khi đã thích ứng, làm quen với công nghệ, các lớp dạy - học trực tuyến thông qua các nền tảng Zoom, Google Meet… cũng bắt đầu nở rộ, đảm bảo tốt phương châm của ngành Giáo dục: “Tạm dừng đến trường, không dừng học”. Để tạo hứng thú, hấp dẫn học sinh trong từng giờ học trực tuyến, các giáo viên cũng thường xuyên cập nhật công nghệ, phần mềm mới trong hỗ trợ giảng dạy, học tập, đảm bảo tốt sự tương tác của thầy và trò trên các lớp học trực tuyến.

Thành công bước đầu của việc dạy - học trực tuyến đã mở ra tín hiệu lạc quan cho Giáo dục Bạc Liêu trong tiến trình hòa vào Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà GD-ĐT là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Theo đó, trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, hơn 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo (trong đó có Bạc Liêu) đã tổ chức dạy - học trực tuyến, tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng.

Đơn cử về một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành là phối hợp với VNPT Bạc Liêu xây dựng và ra mắt kênh truyền hình giáo dục. Kênh được phát trên nền tảng hệ thống MyTV của VNPT. Hệ thống này tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin hiện có của VNPT, tạo thành kênh truyền hình để Sở GD-KH&CN thông qua đó thực hiện công tác giảng dạy và chủ động trong sắp xếp lịch truyền tải cho các cấp học, không phụ thuộc vào giờ phát sóng của kênh truyền hình Bạc Liêu (BTV). Và giờ đây khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, học sinh đã trở lại trường học trực tiếp thì các nền tảng dạy - học trực tuyến vẫn làm tốt vai trò kết nối với gia đình, phụ huynh, hỗ trợ giảng dạy, học tập cho những trường hợp mắc COVID-19…

Tự hào về những thành tựu đã qua, ngành Giáo dục Bạc Liêu đang cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục là một trong những nhiệm vụ then chốt, mục tiêu động lực để toàn ngành nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển giáo dục chất lượng cao trong giai đoạn mới.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.