Giáo dục - Học Đường

Dùng trái tim để cảm hóa trái tim

Thứ Sáu, 09/12/2022 | 15:49

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trong Nghị định 04/2021 và Nghị định 88/2022 của Chính phủ khiến nhiều lãnh đạo trường ví von là giáo viên (GV) như đang đi thăng bằng trên dây. Và để có được sự thăng bằng ấy, người thầy cần lắm sự phối hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa nhà trường, gia đình, học sinh (HS) trên tinh thần giáo dục bằng cảm hóa, tình yêu thương, lấy sự tiến bộ của học trò làm thước đo mọi giá trị.

Cơ hội để điều chỉnh hành vi

Theo quy định, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Người dạy cũng sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu kỷ luật HS, sinh viên không đúng quy định hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể HS. Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Ngay khi Nghị định có hiệu lực, rất nhiều GV, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có chung nhận định rằng, nghị định sẽ giúp điều chỉnh hành vi của cả GV, HS, phụ huynh để có những cư xử chuẩn mực, cùng xây dựng lại văn hóa học đường, tạo nên môi trường học tập an toàn, nói không với bạo lực, tạo điều kiện tốt nhất để HS phát triển toàn diện. Tuy nhiên, các thầy cô cũng bày tỏ sự lo lắng với những trường hợp chưa chăm ngoan, gia đình lại “khoán trắng” việc giáo dục con em cho thầy cô, nhà trường thì GV sẽ phải dè chừng, “tự thăng bằng” khi áp dụng các biện pháp giáo dục.

Một GV bậc THCS ở huyện Đông Hải chia sẻ: “Dù GV chủ nhiệm không cần nêu tên thì tập thể lớp vẫn biết cụ thể về những HS vi phạm nội quy. Nhưng nếu trong các tiết sinh hoạt lớp, GV chủ nhiệm không nhắc nhở, răn đe đối với những trường hợp cá biệt, vi phạm nhiều lần thì các em sẽ nghĩ rằng có quậy hơn thế nữa cũng không bị rầy la, khiển trách, điều này sẽ gây nguy hại vô cùng. Bởi vậy, GV đang rất đau đầu trước những quy định mới”.

Nhiều GV còn cho rằng, đâu cần đợi đến những điều khoản xử phạt theo quy định, mà GV hiện nay đang bị áp lực bởi mạng xã hội, việc dạy dỗ, uốn nắn HS chỉ trong chừng mực chứ không dám mạnh tay. Bởi lẽ, dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp là giáo dục các em nên người nhưng việc áp dụng các hình phạt lại là vấn đề nhạy cảm. Và nếu áp dụng không khéo, người thua thiệt vẫn chính là GV. Đó là còn chưa kể những trường hợp HS quá “cá biệt”, nhưng phụ huynh, gia đình lại càng “đặc biệt”… khiến nhiều GV cảm thấy “ngộp thở” hơn trong quy định mới.

Tình yêu thương của người thầy sẽ giúp học sinh thay đổi một cách tích cực. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Hãy giáo dục bằng cảm hóa

Nếu khách quan nhìn vào những quy định trong xử phạt hành chính thì vẫn còn nhiều điều đang bỏ ngỏ. Đơn cử như trường hợp mâu thuẫn giữa GV và HS, mà người dạy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí là thân thể thì ai là người đóng phạt khi các em vẫn còn đi học, chưa làm ra tiền? Trước nay, trường học chỉ kỷ luật HS bằng cách hạ hạnh kiểm, xếp loại đạo đức chứ chưa có quy định nộp phạt bằng tiền. Và nếu nhìn ở một góc độ khác, việc xử phạt hành chính đang làm giảm nhẹ quan điểm giáo dục bằng cảm hóa trong môi trường học đường, hình thành nên lối suy nghĩ không tốt cho HS: tiền sẽ giải quyết được tất cả! Đó là còn chưa kể, số tiền đóng phạt sẽ nộp về ngân sách nhà nước hay vào tài khoản của nhà trường, GV…?

Gần 20 năm công tác trong ngành, tiếp xúc với rất nhiều HS cá biệt, cô Ngô Tuyết Hằng (GV Trường tiểu học Vĩnh Thịnh A, huyện Hòa Bình) được ví như người “chuyên trị” những trường hợp học trò cá biệt. Cô Hằng thổ lộ: “Để có thể gỡ được “nút thắt” về sự cá biệt trong từng HS thì trước hết người thầy phải thật sự tâm lý, phải chủ động tìm hiểu, gợi mở để các em bộc lộ cái tôi, những trục trặc trong chính suy nghĩ, hành động của mình. Nếu biết đặt mình vào hoàn cảnh HS thì người thầy sẽ hiểu được căn nguyên dẫn đến những hành động bộc phát, sai quấy của các em để có sự giáo dục, uốn nắn lại. Hầu hết những HS cá biệt mà tôi từng gặp, từng uốn nắn đều có những hoàn cảnh riêng, chỉ cần chúng ta tháo gỡ những nút thắt ấy bằng sự yêu thương, bao dung thì các em sẽ thay đổi một cách tích cực”.

Vậy nên, chỉ cần thật sự yêu nghề, tâm huyết với học trò, có phương pháp, tâm lý sư phạm vững vàng thì GV sẽ dễ dàng xử lý nhanh những tình huống đặc biệt phát sinh mà không cần lo lắng sẽ “việt vị” trong những trói buộc của quy định mới.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.