Giáo dục - Học Đường
Đừng xem nhẹ chuẩn mực học đường!
“Tăng cường triển khai văn hóa học đường” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục xác định trong năm học 2023 - 2024. Song trên thực tế, các mối quan hệ ứng xử trong nhà trường vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đáng quan ngại hơn là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực gây bức xúc trong dư luận. Thế nên, muốn xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc thì tiên quyết phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học trò.
Cô giáo chủ nhiệm chăm lo bữa ăn bán trú của học sinh tại Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu).
Ranh giới mong manh
Mấy tuần qua, tình trạng giáo viên bạo hành học sinh (HS) dường như có chiều hướng gia tăng cả về số vụ việc và mức độ. Phổ biến là các hành vi đánh đập, xúc phạm, lăng mạ, sỉ nhục HS. Nhiều giáo viên đã vin vào cớ “thương cho roi cho vọt” để biện giải cho sự “giáo dục” của mình đối với học trò. Nhưng xin thưa đó là hành vi phản giáo dục, “nuông chìu cảm xúc” và sự vị kỷ của cá nhân chứ không xuất phát từ động cơ trong sáng, gây nên những bức xúc lớn trong dư luận.
Thật đau xót khi xem đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh bé gái khóc lớn bên cạnh 2 nữ giáo viên ở một lớp mẫu giáo tư thục (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Thay vì dỗ dành, nữ giáo viên lại dửng dưng, thậm chí còn lấy tay dí trán khiến bé gái suýt ngã. Sau đó còn bóp miệng rồi nói “gào cái mồm ra này, các cô sợ này, gào to lên…”. Đáng chú ý là nữ giáo viên khác ngồi cạnh chứng kiến vụ việc nhưng không khuyên can.
Chỉ vì không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng cô yêu cầu, một HS lớp 12 (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã bị cô giáo lớn tiếng đuổi khỏi lớp. Thậm chí cô giáo còn dùng những lời lẽ khó nghe, đe dọa hạ hạnh kiểm để không thể thi tốt nghiệp, khiến nữ sinh này hoảng sợ quỳ khóc đến kiệt sức. Một thầy giáo dạy tiếng Anh ở trường THPT Phan Huy Chú (cũng ở TP. Hà Nội) thì bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày - tao”, nói lời xúc phạm nam sinh lớp 10 chỉ vì em làm bài tập sai…
Dù môi trường giáo dục ở Bạc Liêu chưa phát hiện những sự vụ đau lòng như thế, nhưng đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn lẫn lộn giữa giáo dục và bạo hành. Bởi, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong ứng xử, hay sự nóng vội của người thầy thì ranh giới mong manh ấy rất dễ bị xóa nhòa!
Xót xa trước thực trạng đạo đức nhà giáo đang bị xem nhẹ, thầy cô - những người giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành chuẩn mực học đường lại ứng xử không gương mẫu, thiếu tôn trọng HS, một giáo viên đã về hưu (TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Một khi đã chọn nghề giáo thì bản thân phải có sự sẻ chia, thương yêu, giúp đỡ học trò. Nếu không làm được những điều ấy thì tốt nhất đừng chọn nghề giáo. Nếu nhìn vào bình diện chung thì những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) gần đây, hầu như nạn nhân không chia sẻ, không dám lên tiếng do không tìm được người tin cậy. Thậm chí, Hiệu trưởng của trường THPT ở huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội còn muốn xem xét việc kỷ luật HS đã phát tán clip bạo hành của cô giáo với HS vì mua sai bánh kem (vụ việc đã đề cập ở trên), phanh phui hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên. Bởi vậy, để hạn chế BLHĐ, điều quan trọng nhất là giúp trẻ dám nói ra những điều đang gặp phải, dám lên tiếng khi bị bạo lực và đảm bảo các em được bảo vệ, được giữ bí mật riêng”.
Cô giáo Trường tiểu học Vĩnh Thịnh A (huyện Hòa Bình) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Đ.K.C
Cần làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học
Nói về việc đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc trong năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn đề cao tính gương mẫu của người thầy, coi trọng việc phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, vai trò mẫu mực của nhà giáo chính là cốt lõi của văn hóa học đường. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt HS. Đương nhiên một trường học có văn hóa thì không thể có bạo lực”.
Tuy nhiên, khi nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, “tư lệnh ngành” cũng thừa nhận BLHĐ đang diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Có thể do một thời gian dài dạy - học trực tuyến, giáo viên, HS bị ảnh hưởng tâm lý làm gia tăng BLHĐ. Không chỉ vậy, chính sự ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, yếu tố tiêu cực của mạng xã hội; sự kết nối giữa gia đình, nhà trường còn lỏng lẻo; nhiều HS thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, nhất là cha mẹ… cũng làm gia tăng BLHĐ. Một số thầy cô cư xử còn nóng vội, cảm tính, để “cái tôi” lấn át lý trí… dẫn đến những hành vi, lời lẽ thiếu chuẩn mực làm tổn thương, ảnh hưởng tâm lý HS.
Để khắc phục thực trạng này, Bộ GD-ĐT đang rà soát, sửa đổi bộ quy tắc trong trường học để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong quá trình chờ Bộ rà soát để sửa đổi bộ quy tắc, thì các trường phổ thông cần tăng cường phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm lý HS, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống. Riêng hiệu trưởng, lãnh đạo các trường cần kiểm soát tình hình, cư xử thấu tình đạt lý nếu có những tình huống phát sinh xảy ra nhằm đề phòng và ngăn chặn hiệu quả BLHĐ từ xa, từ sớm.
Kim Trúc
------------------------
Điều 6, Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT “Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên”, quy định ứng xử của giáo viên với người học như sau:
“Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống BLHĐ, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học”.
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người