Giáo dục - Học Đường
Giáo dục Bạc Liêu: Vượt khó vươn lên từ “vùng trũng”
Nhìn lại thành tựu của giáo dục (GD) Bạc Liêu sau 25 năm tái lập tỉnh, chúng ta lại nhớ về những năm tháng không quên của buổi đầu vừa “ra riêng” với xuất phát điểm thấp, ngổn ngang những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ làm công tác giảng dạy… Vậy mà chỉ sau một phần tư thế kỷ thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”, “người em áp út” Bạc Liêu đã nỗ lực vượt khó, bứt tốc ngoạn mục để vươn lên tốp đầu cả nước.
Một góc trường Trung học Phổ thông Giá Rai (TX. Giá Rai). Ảnh: Mạnh Liêu
Những năm tháng không quên
Năm 1976, toàn tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) chỉ có 142 trường học (đa phần được xây dựng tạm bợ bằng cây lá địa phương), với quy mô hơn 100.000 học sinh. Trong tình hình ấy, ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập trong muôn vàn khó khăn, thách thức. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) phải đối diện với tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất trường lớp, dẫn đến tình trạng lớp học ca ba, lớp ghép… Điều đáng nói là tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên THPT).
Nhìn cơ ngơi khang trang của Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) hôm nay, cô Nguyễn Thị Mai Hương - giáo viên trường ngậm ngùi nhớ về những tháng ngày gian khổ. Hồi ấy, cô từ Hà Nội theo người thân vào Nam tăng cường để cống hiến cho vùng đất mới. Ngày cô về trường nhận công tác (khi ấy trường có tên là Trường phổ thông cơ sở Thuận Hòa 2), trường chỉ có 5 phòng học tạm bợ được cất bằng cây lá địa phương. “Cứ đến mùa mưa thì ngôi trường không khác gì cù lao giữa một vùng nước trắng xóa. Cô trò phải cầm cây để dò đường vào lớp học. Những hôm mưa to gió lớn, cô trò phải vừa học, vừa hứng nước dột, vừa phập phồng lo gió lớn có thể cuốn phăng đi lớp học bất cứ lúc nào. Đời sống giáo viên lúc bấy giờ rất khó khăn, sáng lên lớp, tối về phải tranh thủ giăng lưới, quăng chài để cải thiện bữa ăn cho gia đình”, cô Hương kể lại.
Trong ký ức của những giáo viên cao niên ở xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh về Trường phổ thông cơ sở Điền Hải thời điểm khi vừa tái lập tỉnh. Ngôi trường ấy được cất tạm ở Cua 50 (nay thuộc xã Long Điền Tây) với 2 phòng học, vách lớp được dừng bằng mê bồ, sân trường luôn lầy lụa sình bùn vì thủy triều lên… Kể sao cho hết những khó khăn, thiếu thốn ngày ấy, nhưng vì tình thương học trò, trân quý tấm lòng bà con địa phương, 10 thầy cô giáo được tăng cường về đây vẫn cố gắng bám trụ, cùng học trò chinh phục ước mơ con chữ.
Đối mặt với hàng loạt công việc phải làm trong những ngày đầu chia tách, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương chậm đầu tư phát triển thị xã tỉnh lỵ, dồn nguồn lực cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các công trình trường học. Vận dụng phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sau 2 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã cơ bản xóa tình trạng lớp học ca ba, phòng học tạm bợ bằng cây lá địa phương. Tháng 10/1998, Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ phổ cập GD tiểu học - chống mù chữ. Và đến năm 2004, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về giáo viên cho các ngành học, bậc học…
Thầy và trò Bạc Liêu đã thích ứng với việc dạy - học trực tuyến. Ảnh: Đ.K.C
Đến hành trình vươn lên tốp đầu cả nước
25 năm trôi qua, việc quan tâm đầu tư, chăm lo sự nghiệp GD không còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương, mà là sự nghiệp chung của toàn xã hội khi Bạc Liêu đã khéo léo huy động được sức dân cùng chung tay vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”. Không chỉ có hiến đất để cùng Đảng, Nhà nước xây dựng điện - đường - trường - trạm, nâng cao mặt bằng dân trí, thay da đổi thịt xóm làng, mà người người, nhà nhà còn đóng góp sức người, sức của, động viên nhau quan tâm hơn đến công tác GD-ĐT, dồn tâm sức cho con em được học hành đến nơi đến chốn.
Ngày 12/2/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết 03 về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 07 hướng dẫn tổ chức thực hiện nghị quyết này, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới theo hướng dạy thực chất, học thực chất trong toàn hệ thống GD-ĐT tỉnh nhà. Ngày 31/1/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại ban hành Chỉ thị 21 về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với một số vấn đề quan trọng và bức xúc trên lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh. Tiếp sau đó là hàng loạt kế hoạch, chỉ thị mang tầm chiến lược giúp ngành GD từng bước tháo gỡ mọi khó khăn. Từ những quyết sách đúng đắn, đầy tâm huyết, diện mạo GD-ĐT của Bạc Liêu đã có bước chuyển mình ngoạn mục, gặt hái được những thành tựu đáng trân trọng trên tất cả mọi phương diện.
Minh chứng là sau 25 năm tái lập tỉnh, số trường lớp ở Bạc Liêu đã phát triển lên đến 288 trường; trong đó có 204 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng của tỉnh cũng đang phát huy vai trò, vị thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ tăng mạnh về “lượng”, GD-ĐT tỉnh nhà còn không ngừng cải thiện về “chất”. Theo đó, chất lượng GD các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước năm 2008. Nỗ lực này đã giúp Bạc Liêu trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đồng thời duy trì và phát triển tốt chất lượng của công tác xóa mù chữ và phổ cập GD tiểu học, THCS. Đặc biệt, năm 2021 cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu 5 năm liên tiếp Bạc Liêu nằm trong tốp 10 cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp và điểm trung bình các môn thi THPT.
Thay lời kết
Trước cột mốc 25 năm tái lập tỉnh thì đại dịch COVID-19 lại đặt GD Bạc Liêu vào những thách thức mới, nhưng toàn ngành đã hóa “nguy” thành “cơ”, xem đây là động lực để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD. Tính đến cuối tháng 12/2021, toàn tỉnh có 96,4% học sinh tham gia học trực tuyến. Đây là tín hiệu đầy lạc quan cho thấy sự thích ứng, linh hoạt của ngành trong đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chất lượng GD.
Tự hào về những thành tựu đã đạt được, ngành GD Bạc Liêu đang cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Trong đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển GD chất lượng cao; tiến hành đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong GD; tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 … đang trở thành mục tiêu động lực để toàn ngành phấn đấu trong giai đoạn mới.
Kim Trúc
- Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
- Tuyên dương 70 người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng
- Bắt giữ tàu vận chuyển trái phép 700.000 lít dầu DO
- Hơn 100 cán bộ được tập huấn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
- Công an TP. Bạc Liêu: Tạm giữ 2 đối tượng cắt trộm dây điện chiếu sáng công cộng