Giáo dục - Học Đường
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Dùng trái tim để lay động những trái tim
Trong khi xu hướng bạo lực đang ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực đến môi trường học đường thì việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) trở nên vô cùng cấp thiết. Tùy vào thực tế mà mỗi nhà trường, thầy cô giáo có những cách dạy đạo đức, giải pháp giáo dục lối sống phù hợp nhất để chạm đến những trái tim, khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp luôn hiện hữu trong mỗi học trò.
Trường THPT Chuyên Bạc Liêu thực hiện việc lồng ghép giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đ.K.C
Chạm đến trái tim bằng sự chân thành
Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm dạy hầu hết các môn nên thời gian tiếp xúc với HS khá nhiều. Vì vậy, để HS có được sự phát triển nhân cách tốt, tạo được hứng thú trong học tập thì đòi hỏi người giáo viên phải thật sự thâm nhập vào cuộc sống của các em, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản, cũng như hoàn cảnh sống của từng em.
“Muốn làm được như vậy, ngoài việc xem hồ sơ cá nhân của HS, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm các lớp trước, gặp gỡ phụ huynh, tôi còn thường xuyên gần gũi, trò chuyện với các em trong 15 phút đầu giờ, giờ giải lao, những buổi sinh hoạt ngoại khóa… dùng sự chân thành của mình để giúp học trò tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khiến các em cởi mở hơn khi chia sẻ những điều thầm kín”, cô Trần Thị Loan (giáo viên Trường tiểu học Thạnh Bình A, TX. Giá Rai) chia sẻ.
Với thâm niên công tác hơn 30 năm và cũng ngần ấy năm làm công tác chủ nhiệm tại Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải), cô Nguyễn Thị Thu Hồng đã dạn dày kinh nghiệm trong việc cảm hóa HS cá biệt. Cô Hồng từng tâm sự, chẳng biết có phải là “duyên” hay không mà hầu như năm nào lớp cô cũng có rất nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, HS cá biệt. Đó là những lớp mà bất kỳ giáo viên chủ nhiệm nào cũng ngán ngại vì rất khó để ổn định nền nếp, sĩ số, cũng như so kè về thành tích học tập với toàn trường. Nhưng may mắn là qua thời gian cô làm chủ nhiệm, hầu hết HS đều đi vào nền nếp, ngay cả HS cá biệt cũng dần thay đổi, chất lượng học tập của lớp ngày càng cải thiện rõ nét…
Để làm được điều ấy, cô Hồng đã rất kỳ công trong việc dành thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính, suy nghĩ của từng em để có phương pháp giáo dục, động viên phù hợp. Cô luôn hướng học trò mình xây dựng cách sống tự tin, tự trọng, tự học, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hành vi, lối sống của chính mình. Cô còn giúp các em gieo niềm tin vào bản thân rằng mình có thể làm được, sẽ làm được nếu bản thân không ngừng cố gắng. Riêng cô luôn kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là đối với những em cá biệt vì chẳng ai có thể thay đổi chóng vánh trong một sớm một chiều. Quá trình thay đổi cần phải có thời gian, phải đi từ nhận thức đúng rồi mới điều chỉnh hành vi đúng và dần đưa nó vào quỹ đạo, trở thành thói quen… Và khi ấy người giáo viên hãy là “ngọn hải đăng” soi đường dẫn lối để học trò dần hoàn thiện.
Chung tay xây dựng văn hóa học đường
Là cán bộ quản lý có nhiều năm kinh nghiệm, ông Đỗ Sơn Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TX. Giá Rai) cho rằng: “Học sinh bậc THPT là bậc học cuối của hệ thống giáo dục phổ thông. Các em đang phát triển mạnh về thể chất, trí tuệ và tâm sinh lý. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị kiến thức văn hóa thì rất cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Tuy nhiên, các trường THPT hiện nay lại có xu hướng chú trọng việc dạy tri thức khoa học, chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục tình cảm, đạo đức cho các em. Hoặc việc giáo dục đạo đức không đồng bộ, còn phó mặc cho giáo viên chủ nhiệm, thiếu sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy một bộ phận thanh thiếu niên có dấu hiệu sa sút nghiêm trọng về đạo đức, nhu cầu cá nhân phát triển lệch lạc, kém ý thức trong quan hệ cộng đồng, thiếu niềm tin vào cuộc sống, chí tiến thủ, dễ bị lôi cuốn vào những việc xấu…”.
Bởi vậy, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hiện nay chính là giáo dục các em sống có ước mơ, có hoài bão, có ý chí lập thân lập nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên, các trường dạy đạo đức không chỉ ở các bộ môn khoa học (Văn, Sử, Giáo dục công dân…), mà nên thông qua những hoạt động ngoại khóa tập thể, các hoạt động trải nghiệm, xã hội thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, về nguồn tại các di tích lịch sử - cách mạng… để HS cảm nhận được khó khăn của người khác, biết yêu thương, chia sẻ, ý thức được tuổi trẻ cần đóng góp gì cho xã hội và sự phát triển chung của cộng đồng để sống văn minh, tích cực hơn.
Và một điều vô cùng cần kíp là các trường phải hết sức chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đưa bộ môn tâm lý học vào nhà trường, vì tâm lý học là cơ sở của mọi hoạt động giáo dục, góp phần hình thành nên những nhân cách đẹp, những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
Kim Trúc
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Ngành Y tế cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, y đức tốt
- Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực