Giáo dục - Học Đường

Giáo dục năm 2022: Tìm cơ hội trong thách thức

Thứ Sáu, 14/01/2022 | 17:18

Năm 2022 tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành Giáo dục khi dịch COVID-19 đã kéo dài sang năm thứ 3 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Song chính thời gian dài sống chung, thích ứng an toàn và linh hoạt với đại dịch đã mang đến cơ hội để toàn ngành thay đổi căn bản về tư duy lẫn hành động.

Nhận diện thách thức

Ngày 16/1 tới đây, học kỳ I sẽ kết thúc theo khung kế hoạch năm học 2021 - 2022 của Bộ GD-ĐT. Tính đến cuối tháng 12/2021, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp, 34 địa phương kết hợp trực tiếp với trực tuyến, còn lại chỉ tổ chức dạy trực tuyến để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch. Trước thực tế ấy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn đã từng đánh giá, năm 2021 là năm học bị COVID-19 “đảo lộn và tàn phá”. Và với diễn biến hiện tại của dịch bệnh, nhiều chuyên gia giáo dục tiếp tục dự đoán, năm 2022 sẽ đặt thầy trò trước những thách thức lớn, vì rất có thể học kỳ II chủ yếu sẽ là kỳ học trực tuyến (dù nhiều địa phương đã lên kịch bản để đón học sinh trở lại trường trong tình hình mới, trong đó Bạc Liêu đã có kế hoạch đón học sinh khối 5, 9 và 12 trở lại sau Tết Nguyên đán).

Có thể nói, ảnh hưởng của dịch COVID-19 chính là thách thức lớn nhất đối với ngành Giáo dục trong năm 2022. Dịch bệnh chưa kết thúc cũng đồng nghĩa với việc học sinh không thể trở lại học bình thường và một thực tế mà ai cũng dễ dàng nhận thấy chính là chất lượng học trực tuyến không thể so sánh với học trực tiếp. Đó là còn chưa kể, nếu có cơ hội mở cửa trường học trở lại thì nhiều hoạt động giáo dục bên ngoài không gian lớp học vẫn không thể tổ chức vì phải đảm bảo giãn cách, điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Đâu chỉ có vậy, chính tác động của đại dịch khiến nền kinh tế suy giảm, chưa kịp phục hồi đã khiến cho các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ít được bổ sung, trong khi toàn ngành đang trong giai đoạn đầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thêm nữa, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, cơ sở vật chất xuống cấp khiến ngành mất nhiều thời gian, nguồn lực để sửa chữa khi đón học sinh trở lại trường. Dịch bệnh cũng khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nên việc quan tâm đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị học tập cho con em cũng chịu nhiều ảnh hưởng; đời sống của một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch bệnh; việc xây dựng kế hoạch củng cố kiến thức, kiểm tra, ôn tập, bù đắp khủng hoảng tâm lý học đường vì COVID-19… cũng đặt ra “bài toán khó” cho toàn ngành trong năm 2022.

Năm 2022, dù học sinh quay trở lại trường học nhưng các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường rất khó tổ chức vì phải đảm bảo giãn cách. Trong ảnh: Học sinh THPT Chuyên Bạc Liêu tham quan triển lãm ảnh “Trường Sa, Hoàng Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: Đ.K.C

Nắm bắt thời cơ

Dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong hoàn cảnh ấy cơ hội luôn hiện hữu khi toàn ngành và đội ngũ thầy cô giáo biết “hóa nguy thành cơ”, xem đây là cú hích quan trọng để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo, làm tăng khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh của thầy và trò.

Nhận định về những cơ hội mà ngành Giáo dục tận dụng trong đại dịch, ông Tạ Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải, cho rằng: “Dịch COVID-19 đã đưa giáo dục vào tình thế không có lựa chọn nào khác là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý, kích thích tư duy sáng tạo của người thầy, tạo tiền đề vững chắc cho chuyển đổi số giáo dục trong tương lai. Không chỉ vậy, các cơ sở giáo dục, học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn được Nhà nước, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến, giúp bổ sung nguồn thiết bị quan trọng cho quá trình chuyển đổi số giáo dục. Đây chính là cơ hội lớn mà ngành phải nắm bắt”.

Không chỉ vậy, các chuyên gia giáo dục còn cho rằng, nếu toàn ngành xử lý được những thách thức, khó khăn thì sẽ tạo ra cơ hội lớn để giáo dục thay đổi mạnh mẽ theo mục tiêu đề ra - đó là đổi mới căn bản và toàn diện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Cơ hội ấy được thể hiện rõ ở việc hình thành hệ thống nhà trường, lớp học không giới hạn về không gian, thời gian. Đội ngũ giáo viên không bị bó buộc trong một cơ sở giáo dục để giảng dạy, từ đó ngành sẽ sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Học sinh cũng học tập chủ động hơn về không gian, thời gian và giáo viên. Và kéo theo đó là sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, đổi mới tư duy, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục…

Để có thể tìm được cơ hội trong thách thức, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục thì “bài toán” mà toàn ngành cần tính đến (không chỉ riêng năm 2022, mà cả trong những giai đoạn tiếp sau) chính là tầm nhìn, là những chiến lược phát triển mang tính hệ thống, bền vững, hiệu quả của lãnh đạo ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương, cũng như từng cơ sở giáo dục.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.