Giáo dục - Học Đường
Giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Còn nhiều khó khăn
Tại Bạc Liêu, Cụm thi đua số 8 gồm Sở GD-ĐT 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long vừa triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Bên cạnh những thuận lợi, thì giáo dục vùng ĐBSCL vẫn còn rất nhiều khó khăn khi một số địa phương còn thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, dạy môn Tin học, Tiếng Anh đối với cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu chào mừng tại hội nghị.
Nhiều khởi sắc
ĐBCSL trước đây được xem là “vùng trũng” của giáo dục cả nước khi đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ nhà giáo, chất lượng dạy học… Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những năm gần đây, công tác đầu tư cho giáo dục được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, nền giáo dục của các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều khởi sắc cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng dạy học.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 9/2024, các tỉnh trong Cụm thi đua số 8 có 5.980 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (GDTX) với trên 98.000 nhóm, lớp, gồm 1.806 trường mầm non, mẫu giáo với hơn 18.200 nhóm, lớp; trên 2.200 trường tiểu học với hơn 42.500 lớp; gần 1.400 trường THCS với gần 24.800 lớp; 460 trường THPT với trên 11.000 lớp và 72 trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX với hơn 1.400 lớp.
Tính đến cuối tháng 9/2024, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX trong Cụm thi đua số 8 đã huy động đến trường được hơn 3,2 triệu học sinh/trên 98.000 nhóm, lớp. So với cùng kỳ năm học 2023 - 2024 tăng trên 70.000 học sinh.
Cùng với đó, mạng lưới cơ sở giáo dục các tỉnh trong Cụm thi đua số 8 được sắp xếp, bố trí hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới của ngành. Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp; trường, lớp, sân chơi, bãi tập ngày càng khang trang, sạch đẹp. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được các tỉnh quan tâm thực hiện. Toàn vùng hiện có 95.996 phòng học (81.110 phòng kiên cố, 14.152 phòng bán kiên cố, 14.152 phòng tạm), 18.398 phòng học bộ môn (16.559 phòng kiên cố, 1.741 phòng bán kiên cố và 80 phòng tạm), 18.814 phòng phục vụ học tập và 14.487 phòng khác. Trong đó được xây mới là 2.571 phòng…
Riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 4.460 phòng học (gồm 3.809 phòng kiên cố, 624 phòng bán kiên cố và 27 phòng tạm), 1.000 phòng học bộ môn (837 phòng kiên cố, 159 phòng bán kiên cố và 4 phòng tạm), 740 phòng phục vụ học tập (506 phòng kiên cố, 220 phòng bán kiên cố và 14 phòng tạm) và 1.271 phòng khác.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục các tỉnh Cụm thi đua số 8 tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Các sở GD-ĐT trong Cụm đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ năm học mới; hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp theo kế hoạch; hoàn thành việc tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của các cấp học, của ngành… Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện kế hoạch tựu trường, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức lễ khai giảng năm học mới đồng loạt vào ngày 5/9/2024 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của Cụm thi đua số 8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Ngô Vũ Thăng, thông tin: Với tinh thần thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” để triển khai thực hiện cùng phương châm hành động: “Lấy học sinh là trung tâm; thầy, cô giáo là động lực; nhà trường là bệ đỡ; gia đình điểm tựa và xã hội là nền tảng”. Toàn ngành tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm học nói riêng, góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh vùng ĐBSCL kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành Giáo dục phát triển. Ảnh: C.K
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, công tác giáo dục của Cụm thi đua số 8 vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc do đời sống của người dân một số địa phương còn khó khăn, một số học sinh không có phương tiện đi học hoặc đang theo cha mẹ làm ăn xa, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng một số địa phương vẫn còn thiếu phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học môn Tin học, Tiếng Anh và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cấp tiểu học. Công tác đầu tư xây dựng các công trình phòng học, phòng chức năng, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn chậm (do trình tự thủ tục mua sắm mất rất nhiều thời gian).
Đáng chú ý là tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo 3 - 4 tuổi ra lớp, tỷ lệ trẻ mẫu giáo học bán trú thấp do thiếu giáo viên. Kinh phí đầu tư cải tạo, xây dựng cho cấp học mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương vẫn còn, trong đó nhiều nơi vẫn còn thiếu giáo viên mầm non, giáo viên giảng dạy môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... (do không có nguồn tuyển).
Tại hội nghị, các đơn vị thành viên Cụm thi đua số 8 đã cùng chia sẻ, trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai công tác thi đua và kiến nghị đến Bộ GD-ĐT về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ năm học, nội dung các phong trào thi đua do Bộ GD-ĐT phát động; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện phong trào thi đua cũng như công tác chuyên môn phù hợp với các sở GD-ĐT trong Cụm thi đua số 8…
Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm thi đua số 8, cho biết: “Qua sự đóng góp, chia sẻ và phối hợp của các đơn vị sẽ góp phần không nhỏ để sự nghiệp GD-ĐT của các tỉnh ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng GD-ĐT và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ đề xuất Bộ GD-ĐT giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục ĐBSCL phát triển hơn nữa”.
Trong năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT Bạc Liêu đăng ký tổ chức hoạt động giao lưu, nhân rộng các mô hình điểm Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025”; Sở GD-ĐT Vĩnh Long đăng ký đăng cai tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh các sở GD-ĐT… Dịp này, lãnh đạo các sở GD-ĐT của Cụm thi đua số 8 đã cùng nhau ký cam kết thực hiện các phong trào thi đua do Bộ GD-ĐT phát động.
Châu Khánh
- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2025 tăng trên 8%
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
- Huyện Hồng Dân: Gần 100 lao động hợp sức xây dựng cầu dây văng trị giá hơn 1 tỷ đồng