Giáo dục - Học Đường
Giới thiệu văn hóa, lịch sử quê nhà qua môn học Giáo dục địa phương
Giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học bắt buộc thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 - 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là môn học nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, ngành nghề… của địa phương. Qua đó bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử bản địa.
Học sinh Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm tham quan, tìm hiểu di tích văn hóa Đồng hồ đá Thái Dương (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C
Bạc Liêu thu nhỏ qua từng bài giảng
Có thời lượng được bố trí khá lớn, mỗi tuần 1 tiết học chính khóa trong suốt năm học, ở cấp THCS và THPT môn GDĐP còn bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng về di tích văn hóa, lịch sử, nghề truyền thống, nghệ thuật kiến trúc, các lễ hội, âm nhạc, mỹ thuật… mang nét đặc trưng rất riêng của địa phương. Từ đây một “Bạc Liêu thu nhỏ” được thành hình, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan, để rồi tự hào về nơi mình sinh ra.
Ở cấp tiểu học, GDĐP được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm, hoặc sử dụng trong dạy học các môn học (ở từng lớp) gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi... tại địa phương, góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu), cho biết: “Ban giám hiệu trường đã triển khai nội dung GDĐP đến từng giáo viên qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Nội dung các bài học chủ yếu đề cập đến cảnh quan thiên nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống; di tích lịch sử, anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa; lễ hội truyền thống trên quê hương gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa của TP. Bạc Liêu nói riêng và của tỉnh nói chung. Mỗi chủ đề được thiết kế thành bài học cụ thể với những thông tin đảm bảo tính chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh cảm nhận và hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử quê nhà…”.
Ở cấp THCS, THPT, nội dung GDĐP được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề, học sinh được học chuyên sâu hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý… Với trường phổ thông có 2 cấp học như Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Hòa Bình), học sinh rất hào hứng đối với môn GDĐP. Bám sát theo chương trình của 2 cấp học, từng bài học, chủ đề được chuyển tải đã giới thiệu khái quát lịch sử hình thành của Bạc Liêu, truyền thống đoàn kết của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, các di tích lịch sử - văn hóa, nét văn hóa đặc trưng riêng, các lễ hội, làng nghề truyền thống, bề dày văn hóa, lịch sử… đã lôi cuốn học sinh và khiến các em yêu thích đặc biệt đối với môn học này.
“Ngoài các bài giảng lý thú về địa phương trên lớp học, trường còn tích hợp môn GDĐP vào các hoạt động trải nghiệm hằng năm. Đặc biệt là tổ chức cho học sinh khối 11 tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu). Chúng tôi còn cho các em đến tham quan chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) để tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật kiến trúc, các truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”, ông Nguyễn Chơn Nhất Hữu - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ.
Bồi đắp tình yêu quê hương
Nhà thơ Xô viết - Nga Ilya Ehrenburg (1891 - 1962) từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Thế nên, việc đưa nội dung GDĐP vào chương trình giáo dục phổ thông để giảng dạy cho học sinh là việc làm hợp lý và rất cần thiết. Bởi lẽ, chương trình và sách giáo khoa cung cấp kiến thức từ địa lý, lịch sử, văn học, đến văn hóa nói chung cho học sinh hiểu biết khá rộng từ cổ đại đến hiện đại, từ Đông sang Tây trên toàn thế giới, nhưng những nét đặc điểm cơ bản về địa lý, lịch sử, văn học, văn hóa trên chính quê hương mình sinh ra và lớn lên thì các em mù mờ không biết đến.
Từ những bài học nhập môn đến chuyên sâu xuyên suốt từ lớp 1 - 12 được biên soạn đầy tâm huyết từ chính những người con được sinh ra, hoặc xem Bạc Liêu là quê hương thứ hai sẽ giúp các em hiểu biết, tự hào, yêu quý và gìn giữ những vốn quý về vật chất và tinh thần của cha ông để lại, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Em Lâm Ngọc Hạt (lớp 11T1, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) bộc bạch: “Với em, GDĐP là một môn học bổ ích và lý thú. Từ môn học này, em không chỉ được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử, văn hóa, văn học, đặc điểm tự nhiên xã hội và thực tế cuộc sống của địa phương gắn với văn hóa chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng dân cư của tỉnh; mà còn được am tường về tính cách và văn hóa của người Bạc Liêu, các lễ hội, làng nghề truyền thống, các món đặc sản của quê mình… Không chỉ vậy, các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng Nọc Nạng, tháp cổ Vĩnh Hưng… cũng được thầy cô giới thiệu cụ thể, chi tiết. Từ sự am hiểu tận tường về văn hóa, lịch sử, đất và người Bạc Liêu giúp em cũng như các bạn học sinh khác thêm yêu quê hương mình và mong muốn được góp sức quảng bá về một Bạc Liêu hào sảng, nhân ái, nghĩa tình đến bè bạn gần xa…”.
Kim Trúc
- Quán triệt, học tập các Quy định của Bộ Chính trị và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Về thăm xã không còn hộ nghèo - Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình)
- TP. Bạc Liêu: Nhiều hoạt động thiết thực mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Khởi tố đối tượng giao cấu với người dưới 13 tuổi
- Bạc Liêu chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC