Giáo dục - Học Đường
Gỡ khó cho dạy học môn tích hợp
Đã bước sang năm thứ 3 triển khai dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng vẫn còn đó không ít những khó khăn, vướng mắc từ thực tế giảng dạy của các trường. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã ban hành Văn bản 5636 để giúp các trường tháo gỡ vướng mắc đối với việc dạy các môn tích hợp.
Giờ học của cô, trò Trường THCS Ngô Quang Nhã (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: Đ.K.C
Xây dựng kế hoạch dạy chi tiết
Ông Vũ Đức Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (xã Long Điền, huyện Đông Hải), chia sẻ: “Dù đã rất nỗ lực trong việc triển khai giảng dạy các môn tích hợp, nhưng khó khăn lớn nhất với trường cũng như nhiều trường khác trong thời gian qua chính là phân công giáo viên (GV). Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục, có khi thay đổi hằng tuần, GV có giai đoạn phải đảm nhiệm quá nhiều giờ, có khi ngược lại… Nguyên nhân là chưa có GV có thể đảm nhiệm toàn bộ 3 trong 1 môn học/hoạt động giáo dục nói trên”.
Không chỉ GV gặp khó, mà ngay cả phụ huynh cũng bị cuốn theo guồng quay này, gây khó khăn trong việc đưa đón con em mình theo sự thay đổi của thời khóa biểu hằng tuần. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các trường THCS, THPT có cấp THCS trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, ngay khi Bộ GD-ĐT có Văn bản 5636 hướng dẫn chi tiết việc tháo gỡ những vướng mắc kể trên, các trường đều “mở cờ trong bụng”.
Theo lãnh đạo các trường, văn bản đã hướng dẫn cụ thể, tường minh hơn so với các công văn trước đây của Bộ GD-ĐT, nên cơ sở giáo dục có thể vận dụng dễ dàng. Đặc biệt, phụ lục có 3 gợi ý kế hoạch dạy học là thông tin mới. Dựa vào đó, cơ sở giáo dục có thể bám theo để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hợp lý, khoa học, từ đó tổ chức giảng dạy hiệu quả.
Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn An Ninh (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) cũng nhận định văn bản tạo hướng mở, linh động cho cơ sở giáo dục từ việc phân công GV đến xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức kiểm tra, đánh giá. Các phụ lục gợi ý kế hoạch kèm theo được xây dựng kỹ lưỡng, là tham khảo hữu ích cho các nhà trường. Theo như hướng dẫn, các trường sẽ tiếp tục phân công 3 GV (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đảm nhận môn Khoa học tự nhiên; 2 GV (Lịch sử, Địa lý) giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý. Các GV chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội đảm nhận Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp (trong đó tùy chủ đề, thời điểm sẽ có sự tham gia của cán bộ quản lý và bộ phận khác trong nhà trường).
Tạo thuận lợi trong triển khai
Có thể thấy, dù đã triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đến năm thứ 3, nhưng việc xây dựng kế hoạch dạy học vẫn là nhiệm vụ khó khăn đối với các nhà trường. Vấn đề gây “rối não” nhất vẫn là việc phân bổ số tiết thế nào cho phù hợp khối lượng kiến thức từng chủ đề, sắp xếp thời khóa biểu. Bởi vậy, gợi ý kế hoạch dạy học của Bộ GD-ĐT được ví như tham khảo hữu ích, nếu sử dụng gợi ý này còn tạo ra sự thống nhất, giúp chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra đánh giá, tập huấn GV… thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Ngay khi văn bản được ban hành, Sở GD-ĐT đã nghiên cứu, làm văn bản mang tính chuyển tiếp triển khai đến các nhà trường để cùng gỡ vướng. Sau đó sẽ trao đổi để đi đến thống nhất về quan điểm, cách làm đối với lãnh đạo các trường, GV trực tiếp giảng dạy.
Xin thông tin để rõ thêm là nội dung chỉ đạo trong Văn bản 5636 thống nhất với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT từ trước đến nay, liên quan đến môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, song rõ và chi tiết hơn.
Một GV giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý ở địa bàn huyện Phước Long nhận định: “Trước đây, hướng dẫn chưa cụ thể nên các trường phải chủ động xây dựng, khiến cho tiến trình hai phân môn trong một học kỳ chưa thật sự đồng đều. Nay văn bản được ban hành sẽ tạo sự thống nhất, thuận lợi trong xây dựng kế hoạch ôn tập, kiểm tra đối với học sinh giỏi khối 8, việc phân công GV phụ trách cũng đảm bảo chất lượng hơn. Tuy nhiên, cốt lõi để triển khai dạy học hiệu quả các môn tích hợp vẫn là vấn đề đội ngũ, thiết bị dạy học. Vì vậy, cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học (theo danh mục thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu của Bộ GD-ĐT) cho sở sở giáo dục. Đồng thời tăng cường mở lớp bồi dưỡng, đào tạo để đảm bảo mỗi GV có thể giảng dạy cả môn học”.
Tựu trung lại, việc ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn chi tiết cho dạy học tích hợp của Bộ GD-ĐT đã giúp GV phụ trách, các cơ sở giáo dục tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi để các trường linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học. Đặc biệt, hướng dẫn đưa ra khung gợi ý giảng dạy đầy đủ các mạch nội dung, bảo đảm lượng kiến thức được tiếp nối liên tục, xuyên suốt năm học, tạo tâm lý an tâm, phấn khởi cho GV, học sinh và phụ huynh với chương trình mới.
Mai Khôi
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người