Giáo dục - Học Đường

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo: Nâng cao vị thế người thầy

Thứ Tư, 16/04/2025 | 16:11

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Nhà giáo (LNG). Đây cũng là cơ sở cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nhiều đại biểu kỳ vọng, khi LNG được ban hành sẽ góp phần nâng cao vị thế người thầy, tạo sự công bằng và minh bạch trong hệ thống giáo dục…

Ông Dương Hồng Tân - Phụ trách Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến. Ảnh C.K

Dự thảo LNG gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cuộc họp có nhiều lượt ý kiến đại biểu đóng góp các nội dung: Đề nghị nghiên cứu thêm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của LNG; làm rõ thêm quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo như: tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục, chính sách thu hút, trọng dụng, chế độ nghỉ hưu…

Ông Dương Hồng Tân - Phụ trách Sở GD-ĐT, cho biết: Qua ý kiến của cán bộ quản lý, các nhà giáo trong ngành, đa số đều đồng tình việc xây dựng LNG là cần thiết. Vì Luật sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo về điều kiện làm việc (lương, chế độ đãi ngộ, bảo hiểm xã hội, y tế, nghỉ phép, và các phúc lợi khác của giáo viên); quyền lợi về đạo đức như bảo vệ danh dự, phẩm giá của nhà giáo trước các sự cố, kiện tụng hay phê phán không công bằng từ xã hội hay phụ huynh… Điều này giúp nhà giáo cảm thấy an tâm hơn trong công việc để cống hiến lâu dài.

Điều quan trọng là khi Luật được ban hành sẽ góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo. Trên thực tế, nếu có một luật riêng biệt, điều này sẽ khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, tạo động lực cho giáo viên khi xây dựng được môi trường pháp lý rõ ràng, nơi giáo viên có thể cảm thấy tự hào về công việc của mình, sẽ giúp họ có thêm động lực để cống hiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, Luật cũng sẽ góp phần cải cách và hiện đại hóa giáo dục. Với sự phát triển của xã hội và nền giáo dục, việc xây dựng LNG sẽ giúp hệ thống giáo dục Việt Nam thay đổi theo kịp yêu cầu của thời đại, bao gồm việc đào tạo nhà giáo có chất lượng, có năng lực chuyên môn vững vàng, và đảm bảo quyền lợi cho họ. Với các quy định cụ thể về các yêu cầu chuyên môn, điều này sẽ tạo ra một chuẩn mực rõ ràng về năng lực, trình độ của nhà giáo, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy.

Luật cũng sẽ tạo sự công bằng và minh bạch trong hệ thống giáo dục. Trong đó, phân chia trách nhiệm rõ ràng giúp định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý giáo dục đối với nhà giáo, từ đó hạn chế các trường hợp lạm dụng quyền lực hay các quyết định không công bằng liên quan đến giáo viên. Luật cũng có thể quy định rõ các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan khi có sự việc xảy ra.

Đặc biệt, LNG sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội với nhà giáo và nghề giáo. Khi có một đạo luật chính thức, xã hội sẽ có cái nhìn rõ ràng và đồng thuận hơn về tầm quan trọng của nghề giáo, tạo điều kiện để giáo viên nhận được sự hỗ trợ và tôn trọng từ cộng đồng.

Tóm lại, việc xây dựng LNG là một bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền lợi của nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo ra môi trường làm việc công bằng và phát triển. Tuy nhiên, cần có sự xem xét kỹ lưỡng về các yếu tố thực tế để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của luật này.

Châu Khánh

------------------------

Nhà giáo ưu tú Trần Vĩnh Thuận (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bạc Liêu):​ Công việc của nhà giáo rất đặc thù

Ngoài thực hiện yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm đối với xã hội cũng như những ngành nghề khác, nhà giáo còn có sứ mệnh vừa khai tâm, vừa khai trí, vừa dạy làm người, vừa dạy chữ, cho nên đây là công việc rất đặc thù. Khi đồng lương của nhà giáo còn khá thấp thì việc này khó mà đảm bảo nhà giáo toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình. Do đó, nhà giáo cần có được sự an tâm tối thiểu để cuộc sống ổn định từ mức trung bình khá trở lên, để dìu dắt học sinh hiệu quả hơn.

Ông Trần Văn Chiêu (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu): Nên xem nhà giáo là viên chức đặc biệt trong viên chức hành chính sự nghiệp

Nhà giáo là người giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho mọi người, nên xem đây là viên chức đặc biệt trong viên chức hành chính sự nghiệp. Do đó, chế độ tiền lương, các phụ cấp ưu đãi nghề giáo cần được cao hơn. Đây cũng là biện pháp nâng cao đời sống, tạo thu nhập chính đáng cho nhà giáo nhằm ngăn ngừa, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Về nội dung điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập trong dự thảo Luật, theo tôi, trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục sang cơ quan quản lý, đề nghị nâng thời hạn bảo lưu chế độ chính sách (12 tháng) bằng với trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục là 36 tháng. Vì hiện nay, cán bộ quản lý ở các trường phổ thông khi điều động lên làm quản lý ở Sở GD-ĐT bị mất chế độ chính sách nhưng chỉ được bảo lưu trong 12 tháng, trong khi điều động giáo viên được bảo lưu đến 36 tháng. Việc này thấy không hợp lý, bởi tìm cán bộ quản lý giáo dục có tâm, tầm không dễ.

Trúc Ly (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.