Giáo dục - Học Đường
“Hành trình kiến tập - Hiểu về địa danh, rõ về sử ghi”: Lắng đọng nhiều cung bậc cảm xúc!
Trong những ngày tháng 5 hướng về kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam với niềm ngưỡng vọng sâu sắc, thầy và trò Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đã có chuyến về nguồn đầy ý nghĩa với chủ đề: “Hành trình kiến tập - Hiểu về địa danh, rõ về sử ghi” tại các “địa chỉ đỏ” ở TP. Hồ Chí Minh. Chuyến đi này đã để lại trong lòng thầy và trò nhà trường nhiều cung bậc cảm xúc!
Thắp hương tưởng niệm Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Giáo dục từ trực quan
Điểm đến đầu tiên của đoàn chính là Bến Nhà Rồng, di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với hành trình ra đi tìm đường cứu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, nơi này từng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1863. Chính tại bến cảng này, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Văn Ba) đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam sang Pháp và bắt đầu hành trình cứu nước, cứu dân. Cũng chính vì vậy, nơi đây mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng và trở thành biểu tượng của thành phố mang tên Bác.
Được biết, khi chiến tranh tại miền Nam kết thúc, bến cảng đã được tu sửa và cải tạo lại thành công trình với 4 khu vực chính là: Bảo tàng Hồ Chí Minh, tượng đài Bác, khuôn viên bến cảng và đài phun nước. Người dân địa phương thường gọi bảo tàng với cái tên trìu mến “Nhà Rồng” và bến cảng gần đó là “Bến Nhà Rồng”.
Thật hữu duyên khi chuyến tham quan về Bến Nhà Rồng lần này, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong được chứng kiến nhiều đoàn người đến từ các trường học, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu các tỉnh, thành phố, cựu chiến binh, đoàn viên, thanh thiếu nhi… đều cùng tụ họp về để tham quan, tìm hiểu. Bởi “địa chỉ đỏ” đặc biệt này mang đến cho mỗi người cảm giác hoài niệm về lịch sử hào hùng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi trái tim Việt. Hiện nay, đây được ví là một trong những chi nhánh của hệ thống bảo tàng và di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật giá trị về hoạt động cách mạng của Người. Trong các không gian trưng bày, nơi khiến thầy trò nhà trường quyến luyến và dành nhiều tình cảm nhất chính là phòng trưng bày chuyên đề: “Bác Hồ với miền Nam - Miền Nam với Bác Hồ”. Những kiến thức lịch sử hữu ích, tình cảm đặc biệt Bác dành cho miền Nam ruột thịt khó có thể tìm thấy trên báo mạng, hay sách vở thông thường… từ lời kể của thuyết minh viên lại tiếp tục làm dày thêm tình yêu lịch sử dân tộc, sự kính trọng sâu sắc với vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước trong lòng thế hệ trẻ.
Đoàn tham quan của Trường THCS Lê Hồng Phong chụp ảnh lưu niệm tại Bến Nhà Rồng.
Đến với “Biểu tượng cho nền hòa bình dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước” - Dinh Độc Lập, một trong những di tích lịch sử lưu giữ những dấu mốc đáng tự hào của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thầy trò nhà trường càng tự hào, trân trọng hơn thành quả cách mạng của cha ông. Tại chính nơi đây, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên, đánh dấu chiến thắng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Càng đi sâu tham quan, tìm hiểu các khu vực cố định, khu chuyên đề, khu bổ sung, những hiện vật lịch sử… ở đây, học sinh trường như được tái hiện trước mắt cuộc chiến khốc liệt của dân tộc, thẩm thấu tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của cha ông - những người đã hy sinh xương máu cho hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Nhà giáo ưu tú Lưu Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, chia sẻ: “Dự định tổ chức “Hành trình kiến tập - Hiểu về địa danh, rõ về sử ghi” đến các “địa chỉ đỏ” tại TP. Hồ Chí Minh được trường ấp ủ từ rất lâu, nhưng đến nay mới thực hiện được bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nếu như trước đây, học sinh trường chỉ được nghe hoặc biết đến những “địa chỉ đỏ”: Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập, Viện Bảo tàng… qua sách vở, những bài giảng của thầy cô, hoặc trên Internet, thì nay nhà trường tạo điều kiện để các em được đặt chân đến, được tận mắt nhìn một cách trực quan, sinh động. Mong rằng thông qua hành trình, học sinh trường sẽ hiểu và thấm nhuần hơn truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc để bảo vệ tự do, độc lập. Từ đó, ra sức tri ân bằng những việc làm thiết thực như việc học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan trò giỏi để sau này tiếp nối truyền thống cha ông, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Đoàn tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập. Ảnh: ĐVCC
Không chỉ vậy, chuyến đi lần này còn tạo hiệu ứng lan tỏa, mang đến những trải nghiệm thực tế đầy thú vị cho những bài học lịch sử vốn “khô khan” bởi những dữ kiện, số liệu. Và quan trọng hơn hết chính là giáo dục để học sinh hiểu, thẩm thấu trọn vẹn những truyền thống quý báu của dân tộc ta như: truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đấu tranh qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống nhân đạo sâu sắc, truyền thống đoàn kết, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Từ đó, giúp học sinh nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, gia đình, xã hội, mà trước tiên là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm trong học tập, lao động… để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ tiền nhân.
“Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân”, chọn cách giáo dục lịch sử bằng tham quan thực tế tại các “địa chỉ đỏ” trong và ngoài tỉnh chính là bước đi đúng đắn của Trường THCS Lê Hồng Phong để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh từ những điều nhỏ nhất, nhưng lại giàu cảm xúc nhất!
Kim Trúc
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người