Giáo dục - Học Đường
Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS huyện Đông Hải: Tạo động lực để đội ngũ giáo viên phấn đấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Nhằm phát hiện, công nhận và tôn vinh những giáo viên giỏi chuyên môn, tận tụy với nghề, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đông Hải tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS vòng huyện, năm học 2024 - 2025. Hội thi được tổ chức bảo đảm tính khách quan, công bằng, có tác dụng khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo tích cực phấn đấu, học hỏi, đầu tư nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên tham gia hội thi tại lễ khai mạc.
Tạo “đòn bẩy” cho phong trào thi đua trong trường học
Ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải, Trưởng Ban tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS vòng huyện, năm học 2024 - 2025, cho biết: “Hội thi là hoạt động chuyên môn rất bổ ích, tạo điều kiện cho các giáo viên THCS thể hiện năng lực của bản thân. Thông qua hội thi nhằm giúp giáo viên thể hiện được năng lực xử lý tình huống sư phạm, năng lực hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức môn học để giải quyết vấn đề thực tiễn và năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm để góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại các trường. Hội thi còn mang đến cơ hội để giáo viên cùng trao đổi, chia sẻ về kỹ năng khai thác và sử dụng sáng tạo thiết bị, đồ dùng dạy học, cũng như kinh nghiệm, phương pháp giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ hội thi, các cấp quản lý sẽ phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến; đồng thời đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục”.
Tham gia hội thi có 143 thí sinh là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường THCS và trường THPT có cấp THCS trên địa bàn huyện. Các thí sinh dự thi ở các môn theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, gồm: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và Tin học.
Đây cũng là lần thứ ba hội thi được tổ chức theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT, gồm 2 phần thi, trong đó phần trình bày biện pháp yêu cầu giáo viên trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi đang công tác. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban giám khảo trao đổi. Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.
Còn phần thực hành tiết dạy thì yêu cầu giáo viên thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy. Tiết dạy được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trước thời điểm thi.
Một tiết dạy của giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Ảnh: Đ.K.C
Nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Theo ghi nhận ở phần thi “Trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy” (diễn ra từ ngày 22 - 26/11/2024 tại Trường THCS Lê Hồng Phong) cho thấy, nội dung các giải pháp ở tất cả các bộ môn dự thi đều có rất nhiều giải pháp hay, tâm huyết, hướng đến hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nâng cao kết quả học tập.
Phần thi thứ hai là thực hành giảng dạy (diễn ra từ ngày 27 đến hết ngày 31/12/2024). Phần thi này diễn ra tại trường của giáo viên tham gia dự thi. Theo Ban tổ chức, để đạt được danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp THCS vòng huyện, năm học 2024 - 2025, giáo viên tham gia phải đảm bảo phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi, và không có giám khảo đánh giá loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt.
Dù hội thi chưa kết thúc, nhưng qua ghi nhận và đánh giá cụ thể của Ban giám khảo thì phần lớn các tiết dạy thực hành trên lớp của thí sinh thể hiện được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh đã khéo léo kết hợp, sử dụng hợp lý các thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là các tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin… làm cho tiết học sinh động, học sinh dễ hiểu bài, tiếp thu nhanh kiến thức.
Có thể nói, mỗi biện pháp, mỗi tiết giảng của giáo viên mang đến hội thi chính là minh chứng sống cho sự quyết tâm của các trường trong việc khẳng định chất lượng giáo dục. Đó còn là những sản phẩm của tư duy theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Hội thi không chỉ tạo cơ hội để phát hiện, tôn vinh những giáo viên dạy giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, mà còn có ý nghĩa góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương, đơn vị và của toàn ngành. Từ hội thi trở về, đội ngũ giáo viên THCS trong huyện sẽ có thêm động lực để phấn đấu hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt trong trường học. Càng ý nghĩa hơn khi sau hội thi, nhiều giải pháp hay, đạt hiệu quả cao trong hỗ trợ, giúp đỡ học sinh tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng giúp chất lượng giáo dục cấp THCS của Đông Hải được nâng cao hơn.
Kim Trúc
- Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu: Triển khai công tác tòa án năm 2025
- Tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- HĐND tỉnh: Giám sát các công trình đầu tư từ nguồn thủy lợi phí
- Phát hiện 2 cơ sở kinh doanh kích điện tự chế
- Nhân rộng mô hình Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong Cụm thi đua số 8