Giáo dục - Học Đường
Huyện Vĩnh Lợi: Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lợi vừa có buổi gặp gỡ với ngành Giáo dục huyện để lắng nghe ý kiến về những những thuận lợi, khó khăn của ngành trong năm học 2022 - 2023. Sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo huyện đối với công tác giáo dục đã và đang cho thấy nhiều tín hiệu vui khi những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… đã được cấp có thẩm quyền lắng nghe, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi để đưa ngành phát triển.
Ông Phạm Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi phát biểu tại buổi làm việc với ngành Giáo dục huyện. Ảnh: C.K
Đầu tư cơ sở vật chất
Theo thống kê của ngành Giáo dục Vĩnh Lợi, bước vào năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 28 trường mầm non - mẫu giáo, tiểu học, THCS, với 725 phòng học và phòng chức năng. Trong đó, phòng kiên cố chiếm 75%. Chỉ tính riêng công tác chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, toàn ngành đã được đầu tư xây mới 66 phòng học, phòng chức năng đạt chuẩn, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Nâng cấp, sửa chữa 21 trường, điểm trường, kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường còn tích cực vận động xã hội hóa để duy tu, sửa chữa nhiều hạng mục khác. Các công trình khi đưa vào sử dụng đã tạo bộ mặt mới cho ngành, tạo môi trường sư phạm, an toàn, sạch đẹp.
Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 15.969 học sinh từ cấp mầm non, mẫu giáo đến THCS, với 483 lớp học. Nhìn chung, từ khi khai giảng đến nay, công tác giảng dạy và học tập ở các trường đã ổn định. Bà Đoàn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi, cho biết; “Về thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa cơ bản đảm bảo phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập. Các trường đều có ý thức cao trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản, khai thác tối đa công năng của cơ sở vật chất, thiết bị hiện có. Lãnh đạo các trường thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời, cũng như thường xuyên tham mưu, báo cáo nhu cầu sửa chữa, mua sắm đồ dùng, xây mới phòng học, phòng chức năng đáp ứng nhu cầu dạy và học. Có thể nói, hiện nay các trường học đang thi đua lấy tiêu chí về môi trường sư phạm, sạch đẹp, an toàn để đánh giá, so sánh chất lượng giáo dục và các hoạt động giáo dục trong trường học là quan trọng nhất”.
Đặc biệt, thời gian qua công tác quy hoạch, xây dựng lộ trình đạt chuẩn cơ sở vật chất, chuẩn quốc gia cho các trường luôn được Phòng GD-ĐT huyện quan tâm thực hiện. Hằng năm đều có kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó tham mưu cho Sở GD-KH&CN, UBND huyện đầu tư, mua sắm thiết bị, xây mới phòng học, phòng chức năng kịp thời, đúng quy định. Theo quy hoạch, hiện nay có 9 trường, điểm trường cần xây dựng 78 phòng học, phòng chức năng, kinh phí đầu tư hơn 80 tỷ đồng, các công trình này đều có chủ trương đầu tư và được xếp theo thứ tự ưu tiên, chờ vốn xây dựng. Riêng Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt đang xúc tiến đầu tư trên 68 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác quy hoạch đất, mở rộng, di dời các trường không đủ điều kiện về diện tích đất đã hoàn chỉnh trong quy hoạch của huyện, tỉnh. Về thiết bị dạy học, ngành đã hoàn thành danh mục đề nghị Sở GD-KH&CN mua sắm đối với thiết bị các lớp 2, 3, 6 và 7…
Cơ sở vật chất khang trang của Trường tiểu học Phan Đình Phùng (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi).
Phối hợp gỡ khó
Bên cạnh những thuận lợi trên thì các trường vẫn còn gặp không ít khó khăn do tiến độ thi công một vài hạng mục, công trình còn chậm so với kế hoạch, không kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Một số trường học nằm trong kế hoạch lộ trình mở rộng diện tích đất trong năm 2022 chưa được triển khai thực hiện. Thiết bị dạy học tối thiểu đối với các lớp 2, 3, 6, 7 chưa có. Đơn cử như Trường tiểu học Nguyễn Du, Trường mầm non Hướng Dương, Trường mầm non Họa Mi chưa được triển khai thực hiện. Trong đó, bức xúc nhất là thu hồi, tạo quỹ đất mới để di dời, xây dựng Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Long Thạnh) đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024 (theo chỉ tiêu, nghị quyết của Huyện ủy).
Bên cạnh đó, nhiều trường đang gặp khó do thiếu phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp, nên không thể dạy học 2 buổi/ngày. Các phòng chức năng thiếu rất nhiều, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hành thí nghiệm. Theo thống kê, hiện toàn ngành còn 55 phòng học, 23 phòng chức năng đã có chủ trương xây dựng nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại Trường mầm non Sơn Ca (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi đã ghi nhận, biểu dương công tác chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới, cũng như việc sắp xếp, tổ chức giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học sinh của ngành Giáo dục huyện và các trường học trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Phòng GD-ĐT huyện và các trường tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục - đào tạo. Xây dựng kế hoạch khảo sát cơ sở vật chất trường lớp; rà soát, lập quy hoạch phát triển trường lớp phù hợp. Khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo quản tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó là phải thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm như: COVID-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên.
Riêng những khó khăn mà ngành Giáo dục đã nêu, UBND huyện ghi nhận và sẽ chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban có liên quan phối hợp tháo gỡ, giúp ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Châu Khánh
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn