Giáo dục - Học Đường

Khi giáo viên tiên phong trong đổi mới giáo dục

Thứ Sáu, 01/10/2021 | 16:41

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện không lâu thì nền giáo dục nước nhà lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Song vượt lên mọi áp lực, trở ngại, người thầy vẫn giữ vai trò tiên phong, miệt mài nghiên cứu, sáng tạo để biến những tiết học trực tuyến khô khan thành những khoảng thời gian truyền cảm hứng đến học trò.

Một tiết dạy và học của thầy trò Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP. Bạc Liêu (ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát). Ảnh: Đ.K.C

Sáng tạo trong gian khó

Trực tiếp tham gia một buổi học trực tuyến của bé N.Đ.T.C (lớp 2/4, Trường tiểu học Kim Đồng, TP. Bạc Liêu), chúng tôi mới hiểu hết những vất vả của cô giáo chủ nhiệm. Vừa dạy học, vừa quản lý đám trẻ con hiếu động với hơn 40 em đã khó, nay phải đảm bảo cả hai việc ấy trên không gian mạng lại càng khó khăn hơn. Nhằm giám sát tốt việc học, khả năng theo dõi bài giảng của từng em, cô đã bắt cả lớp phải bật camera để tương tác, vậy mà vẫn còn rất nhiều bạn nhỏ làm việc riêng trong giờ học. Có bạn còn bật mic, nhắn tin chọc phá bạn bè; hay một bạn được cô mời phát biểu thì nhiều bạn khác cứ nháo nhào trách móc: “Sao cô không mời con?”…

Vậy mà chỉ sau 2 buổi lên lớp, tất cả đã đi vào nền nếp. Giáo viên chủ nhiệm lớp 2/4 đã khiến những giờ lên lớp của cô trò sống động hơn, thu hút sự chú ý của cả lớp vào tiết học thông qua những bài tập vận dụng từ kiến thức đã học. Mỗi bạn sẽ được cô gọi tên ngẫu nhiên để xung phong phát biểu, với những ý kiến hay, đáp áp chuẩn xác thì cô và cả lớp còn dành những tràng pháo tay để khích lệ khiến các bé hào hứng vô cùng.

Sau khi được Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải chọn để xây dựng một bài giảng mẫu trực tuyến, rút ra những ưu điểm và hạn chế trước khi áp dụng vào thực tiễn, thầy Lê Văn Lương (giáo viên dạy Địa lý, Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Điền Hải) ngoài việc hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong huyện xây dựng bài giảng trực tuyến, còn cùng một giáo viên khác của trường thiết kế đường dẫn cho từng lớp học. Năm nay, thầy phụ trách dạy Địa lý 2 khối: 6 và 9 nên từ thứ Hai - Sáu đều có tiết dạy trực tuyến 2 buổi sáng - chiều.

Thầy Lê Văn Lương chia sẻ: “Dạy trực tiếp trên lớp đã khó, nay phải thu hút học sinh vào tiết học trực tuyến lại càng khó hơn khi Địa lý chỉ được xem là môn học phụ. Đặc biệt, với khối 6, năm nay phải học chương trình mới, các em lại trong giai đoạn chuyển giao từ bậc tiểu học lên THCS nên chưa quen với môi trường học tập, còn khá bỡ ngỡ và hiếu động. Bởi vậy, để tránh nhàm chán, tôi xây dựng mỗi tiết dạy theo một phạm trù khác nhau, kết hợp với việc trình chiếu những hình ảnh, đoạn clip liên quan đến nội dung bài học. Đồng thời chọn những kiến thức cốt lõi nhất để truyền tải đến học trò. Trong quá trình giảng dạy, tôi còn sử dụng song song 2 ứng dụng: Google Meet và Zalo vừa để trình chiếu bài giảng, quan sát học trò, vừa tăng khả năng tương tác với học sinh. Tôi còn tạo không khí lớp học bằng việc hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, góp ý cho không gian học tập tại nhà của các em… để tăng sự gắn kết, giao lưu”.

Không ngừng hoàn thiện mình

Từ thực tế có thể thấy rằng, trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT như hiện nay thì vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục cũng nặng nề hơn. Nghĩa là, giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Giáo viên phải coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Và việc dạy học trực tuyến thời gian qua được ví như một phép thử để khảo nghiệm trình độ của những giáo viên thời đại số.

Để trở thành những nhà giáo dục thực thụ trong thời đại mới, có tâm và có tầm, người thầy phải hoàn thành sứ mệnh cải tạo xã hội, phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy, năng lực hành động. Người thầy phải có những kiến tạo để đổi mới giáo dục, giúp học sinh trang bị kiến thức, cách học để không ngừng phát triển, từng bước chiếm lĩnh tri thức. Không chỉ vậy, người thầy còn phải là tấm gương tự học suốt đời; không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới về nghề để bản thân có thể bắt kịp xu hướng giáo dục mới của thời đại. Và đặc biệt, với giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, người thầy còn được ví như những “cố vấn” trong đổi mới chương trình sách giáo khoa, những góp ý của họ được xem là “khuôn vàng thước ngọc” để điều chỉnh, cân đối lại chương trình cho phù hợp với thực tiễn dạy - học.

Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển giao từ chương trình hiện hành sang Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Để mục tiêu đặt ra vận hành đúng quỹ đạo, thực hiện một cách thành công thì sự tiên phong, chủ động của người thầy đóng vai trò quyết định.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.