Giáo dục - Học Đường
Kiểm soát cảm xúc khi dạy học trực tuyến: Chuyện không phải dễ!
Một thời gian dài phải sống chung và chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, ít nhiều cũng gây ra những cảm xúc không tốt trong lòng mỗi người. Với giáo viên, áp lực càng lớn hơn khi phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Bởi vậy, nên khi đối diện với những tình huống sư phạm chưa từng có tiền lệ, nhiều giáo viên đã không kiểm soát được cảm xúc và phạm lỗi ứng xử.
Học sinh THCS ở huyện Vĩnh Lợi trong một buổi học trực tuyến. Ảnh minh họa: Anh Khoa
Khi cảm xúc tiêu cực lấn át sự tỉnh táo
Dịch bệnh kéo dài, nên để đảm bảo khung thời gian năm học, từ giữa tháng 8/2021, học sinh - sinh viên cả nước đã chuyển sang trạng thái học trực tuyến. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không xảy ra một số tình huống sư phạm đáng buồn khi thầy và trò tương tác trên lớp học trực tuyến. Hậu quả là một số giáo viên, giảng viên đã có những lời lẽ chưa phù hợp với học sinh, thậm chí có người không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực đến mức đuổi học sinh ra khỏi lớp học vì những chuyện không đáng.
Đơn cử là vụ việc của của giảng viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (TP. Hồ Chí Minh) - L.M.T đã đuổi một nam sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến khi sinh viên này yêu cầu ông giảng lại bài do nơi đang học mưa to, không nghe rõ lời thầy giảng. Không chỉ tức giận, buông ra những lời lẽ không phù hợp, giảng viên này còn yêu cầu tất cả sinh viên trong lớp phải lặp lại nguyên văn câu: “Tôi tên…, có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường…” gây bức xúc trong sinh viên và dư luận khi đoạn clip về buổi học được lan truyền trên mạng xã hội.
Tương tự, một nữ giáo viên dạy Văn của Trường THPT Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã mắng học sinh mình là “quái thai về tâm hồn”, “một loại rác thải”… Để rồi khi nghe lại đoạn clip mắng học sinh của mình lan truyền trên mạng, cô cảm thấy xấu hổ và tự trách không hiểu sao bản thân mình lúc ấy lại tức giận và thiếu kiềm chế cảm xúc đến vậy.
Với thầy trò ở Bạc Liêu, việc tương tác trên lớp học trực tuyến cũng đã xảy ra nhiều tình huống chưa có tiền lệ, nhất là với những lớp tiểu học, THCS khi mà các em còn quá hiếu động. Có em vừa học vừa chơi đồ chơi; hay bật mic chọc phá bạn, bảo bạn này ngu, bạn kia dốt… khi giáo viên đang giảng bài. Có em đang học thì đứng dậy đi ra khỏi phòng khiến giáo viên gọi tên khản cả giọng, khi được hỏi sao đang học mà bỏ đi đâu thì các em không ngần ngại trả lời “con ra ngoài chơi vì cô dạy buồn ngủ quá!”. Đã có nhiều giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, phải dừng lại buổi học để “giáo huấn” học sinh; có người vào mỗi tiết học phải ra rả phổ biến lại “nội quy”, “dàn xếp phong trào”… hoặc đề nghị những học sinh “cá biệt” ở lại lớp học trực tuyến sau giờ học để chép phạt, nhưng may mắn là chưa có tình huống sư phạm đáng tiếc nào xảy ra.
Đâu là giải pháp để cân bằng?
Có thể nói, chính việc chịu áp lực lớn khi vừa phải đảm bảo tiết học đúng thời lượng, chuyển tải đủ nội dung theo cách tập trung cho vấn đề trọng tâm, vừa phải duy trì trạng thái vui tươi, hào hứng với buổi học cho học sinh - sinh viên, tạo không khí tốt để các em tương tác, trong khi đó thì nhiều em lại tắt camera, thiếu sự hợp tác… khiến nhiều giáo viên rơi vào tình trạng bị ức chế, dẫn đến cách hành xử thiếu chuẩn mực.
Một giáo viên của Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) bày tỏ: “Bất cứ công việc nào cũng đều tiềm ẩn áp lực và nghề giáo cũng không ngoại lệ. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn cho công tác dạy học thì việc phát sinh cảm xúc tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với cái tâm và tầm của những người làm sư phạm, việc làm chủ cảm xúc, ứng xử khéo léo trong mọi tình huống sư phạm chính là bản lĩnh mà mỗi người thầy cần phải có”.
Để cân bằng cảm xúc của người thầy khi việc dạy - học trực tuyến chắc chắn sẽ còn kéo dài vì dịch bệnh, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo rằng, giáo viên cần chăm sóc tốt bản thân trước khi lên lớp, nhất là sức khỏe tinh thần. Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi, cảm xúc không tốt, giáo viên cần làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Bởi chính điều đó sẽ giúp thầy cô khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn. Đại dịch “đóng” chúng ta với thế giới bên ngoài nhưng lại là cơ hội để “mở” ra cái bên trong. Hãy dùng tình cảm, sự chân thành và kiến thức uyên bác của bản thân để giáo dục học trò.
Và điều quan trọng hơn hết chính là mỗi thầy cô hãy giảm kỳ vọng về mức độ tiếp thu, kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với điều kiện thực tế của việc dạy - học trực tuyến. Hãy dùng “vắc-xin niềm vui” để tạo ra những liều thuốc tinh thần giúp thầy và trò giảm áp lực, duy trì sự hứng thú và tập trung cho mỗi giờ lên lớp.
Kim Trúc
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024