Giáo dục - Học Đường

Lần đầu triển khai Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cấp THPT: Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Thứ Sáu, 14/10/2022 | 15:13

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên chương trình giáo dục bậc THPT xuất hiện một hoạt động giáo dục bắt buộc - Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Điều này không chỉ gây bỡ ngỡ, mà còn khiến nhiều trường gặp khó vì không có giáo viên (GV) chuyên trách. Và giải pháp “chữa cháy” mà nhiều đơn vị lựa chọn lúc này chính là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Hoạt động trải nghiệm theo hình thức sân khấu hóa của học sinh Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) chuyên đề “Phòng chống đuối nước”.

Chủ động sắp xếp giáo viên

Ngay khi có thông tin đưa Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp thành một trong 8 bộ môn, hoạt động bắt buộc với tổng số 105 tiết, thực hiện cho 35 tuần thực học (trung bình 3 tiết/tuần), Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) đã chủ động phân công 5 GV phụ trách phân môn này. Trong đó, có 3 GV chủ nhiệm và 2 GV là Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường. Theo đó, từ nội dung các chuyên đề của hoạt động bắt buộc, các GV phụ trách đã chủ động xây dựng nội dung tổ chức. Mỗi chuyên đề thực hiện đều có sự tham gia của Ban Giám hiệu, trợ lý thanh niên, cán bộ Đoàn trường, GV chủ nhiệm phụ trách lớp… nhằm đảm bảo việc kiểm soát tốt về nội dung, chất lượng chương trình giảng dạy. Tuy chỉ mới trải qua hơn 4 tuần triển khai, nhưng môn học này được học sinh trường đón nhận nồng nhiệt và tích cực hòa mình vào mọi hoạt động của môn học.

Còn tại Trường THPT Ninh Quới (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân), trong điều kiện không có GV chuyên trách, không có tổ bộ môn riêng dành cho môn học, trường đã bố trí 4 GV phụ trách phân môn, trong đó có sự tham gia của Hiệu trưởng trường. Ông Đặng Thành Lực - Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Quới, cho biết: “Vì là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10 và chương trình giáo dục hiện hành đối với học sinh lớp 11 và 12 nên trường đã tính toán làm sao vừa đáp ứng được nguyện vọng của học sinh lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp, vừa đảm bảo được cân đối nguồn lực đội ngũ của trường, tránh tình trạng môn thừa, môn thiếu GV. Bởi vậy, trường đã sắp xếp những GV phụ trách bộ môn có số tiết ít đảm nhiệm giảng dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Hơn nữa, bản thân tôi cũng trực tiếp tham gia giảng dạy để nắm bắt việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết”.

Hoạt động trải nghiệm “Ngày hội ẩm thực” của học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

Tạo điều kiện để học sinh trải nghiệm thực tế

Sau vài tuần triển khai, ghi nhận thực tế môn học tại đơn vị mình, hầu hết lãnh đạo các trường đều có chung nhận định: để môn học đi đúng mục tiêu trải nghiệm và hướng nghiệp, thì bên cạnh nội dung giảng dạy bám sát thực tiễn, cần tổ chức thêm nhiều hoạt động thực tế để học sinh được trải nghiệm.

Ông Dư Quốc Kiệt - Hiệu trưởng Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai), bày tỏ: “Hiệu ứng tích cực chỉ sau vài tuần thực học của môn học này tại trường đã giúp các GV phụ trách có động lực để thiết kế thêm những tiết học trải nghiệm, hướng nghiệp thú vị, bổ ích, gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó sẽ tạo cơ hội để học sinh được tiếp xúc với thực tiễn, áp dụng tổng hợp những kiến thức, kỹ năng của các môn đã học vào thực tiễn đời sống; phát huy tính sáng tạo và tăng khả năng thích ứng với môi trường và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em. Khi điều kiện thời tiết cho phép, trường sẽ lên kế hoạch cho các hoạt động mở, các chuyến tham quan, giáo dục lịch sử địa phương… ở các di tích lịch sử cách mạng, chứ không bó hẹp trong không gian lớp, trường học”.

Để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh hơn, nhiều trường còn lên kế hoạch tổ chức hoạt động kết hợp với các dự án trồng cây thủy canh, lồng đèn toán học, lễ hội doanh nhân, lễ hội dân gian, sân khấu hóa, xây dựng thùng rác thông minh...; hoặc gia tăng các hoạt động trải nghiệm cơ hội nghề nghiệp tại các trường đại học, các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất… Có thể nói, yếu tố trải nghiệm thực tế chính là cốt lõi giúp hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Tuy ban đầu còn khá bỡ ngỡ trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng chính sự chủ động ngay từ sớm, các trường đều bố trí nhân sự giảng dạy phù hợp, hài hòa quyền lợi giữa người dạy và người học. Trên tinh thần vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, các trường đặc biệt quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để các thầy cô “chắc tay” hơn khi đứng lớp. Điều đáng ghi nhận là tất cả GV được phân công đều chịu khó tìm tòi, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm, khơi mở được cảm xúc, hứng thú, đam mê của học sinh… đối với môn học mởi mẻ này.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.