Giáo dục - Học Đường
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo - dạy nghề: Cần được hỗ trợ nhiều hơn
HĐND tỉnh vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả giám sát “việc chấp hành pháp luật trong thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo - dạy nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2022”. Qua quá trình giám sát cho thấy, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ của Nhân dân… nên chất lượng giáo dục - đào tạo - dạy nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh vào chiều 17/10/2023.
Chất lượng giáo dục - đào tạo - dạy nghề được nâng cao
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân, đồng thời phục vụ tốt yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm bổ sung. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm… Hiện toàn tỉnh có 287 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (trong đó có 207 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,12%). Tính riêng trong năm 2022, đã xem xét đầu tư 207 phòng học, 71 phòng chức năng… với tổng kinh phí 300,824 tỷ đồng, nâng tổng số phòng hiện có của toàn ngành là 5.289 phòng học, phòng bộ môn.
Việc đầu tư trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đến nay đã thực hiện việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 2, lớp 6, thiết bị dạy và học ngoại ngữ, tin học cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 305,592 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức cũng được quan tâm thực hiện. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ.
Theo ghi nhận của các đoàn giám sát, hiện tại các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, kinh hoạt và nâng cao năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, các nguồn học liệu hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Từ đó, chất lượng học sinh phần lớn đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - đào tạo nghề cũng ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, phối hợp, triển khai, tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo nghề được tăng cường, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò, ý nghĩa của GDNN, đào tạo nghề trong xu hướng phát triển, đòi hỏi của xã hội, của doanh nghiệp và của thị trường lao động.
Theo đánh giá, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng, nhất là kỹ năng nghề nghiệp, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nghề của người dân. Theo đó, công tác đào tạo nghề được thực hiện linh hoạt, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia. Từ đó, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các mặt công tác có liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo - dạy nghề vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chưa kịp thời, chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp và thiếu giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình GDPT 2018…
Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025” chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả thực hiện công tác phân luồng học sinh đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, phần lớn chỉ đào tạo được nhóm nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn đạt hiệu quả chưa cao. Việc liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa gắn với giải quyết việc làm…
Nguyên nhân là nguồn kinh phí dành cho đầu tư, phát triển GDNN chưa đáp ứng yêu cầu. Trang thiết bị đào tạo nghề được đầu tư theo Đề án 1956 tại các Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện phần lớn không được sử dụng, một số đã lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí và chưa có kế hoạch xem xét, xử lý.
Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân ở một số địa phương chưa chặt chẽ, khoa học; việc dự báo, thông tin về thị trường lao động chưa thật sự hiệu quả, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoạch định chính sách, định hướng đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.
Một số cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng có môi trường làm việc chưa tốt nên tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn còn diễn ra; công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào công tác giảng dạy vẫn còn nhiều khó khăn; kết quả tuyển sinh hằng năm còn ở mức thấp so với chỉ tiêu được giao…
Ông Phan Như Nguyện - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đánh giá: “Qua kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo - dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Từ đó chất lượng GDPT, GDNN từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân”.
Trường tiểu học Trần Văn Tất (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) được đầu tư phòng máy để dạy môn Tin học và Tiếng Anh trong năm học 2023 - 2024. Ảnh: C.K
Trên cơ sở đó, đoàn kiến nghị UBND tỉnh nhiều vấn đề. Trong đó, trước hết là phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhất là về phân luồng học sinh và loại hình GDNN, giáo dục thường xuyên.
Đặc biệt là xem xét, bố trí nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển GDNN và một số cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế của các đơn vị; nâng mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động…
Châu Khánh
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người