Giáo dục - Học Đường
Mô hình Cổng trường an toàn giao thông: Cần lắm ý thức của phụ huynh
Mô hình Cổng trường an toàn giao thông (ATGT) được xây dựng từ nhiều năm nay tại các trường học các cấp trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của mô hình này rất khả quan khi ý thức của học sinh, phụ huynh về ATGT từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua ghi nhận vẫn còn một số phụ huynh “phớt lờ” các quy định, dẫn đến tình trạng ùn tắc, kẹt xe trước cổng trường trong giờ đưa đón hoặc “vô tư” tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con em mình…
Ra mắt mô hình Cổng trường an toàn giao thông tại Trường THPT Tân Phong (xã Tân Phong, TX. Giá Rai). Ảnh: Hoàng Diệu
Mô hình nhỏ - ý nghĩa lớn
Mô hình Cổng trường ATGT nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông trong mọi hoàn cảnh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông cho học sinh. Từ đó xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường
Trước đây, vào đầu giờ buổi sáng đến trường hoặc buổi trưa tan học, cảnh ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường dẫn vào trường học ở nhiều nơi vẫn thường xuyên diễn ra. Đặc biệt là trên địa bàn TP. Bạc Liêu có rất nhiều “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc, kẹt xe cục bộ do lưu lượng xe đông đúc trong các giờ “cao điểm”. Đơn cử như trên tuyến đường Võ Thị Sáu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) thường ùn tắc tại Trường tiểu học Kim Đồng, Trường THCS Võ Thị Sáu; đường Cách Mạng thường ùn tắc, kẹt xe tại Trường tiểu học Lê Văn Tám; đường Cao Văn Lầu ùn tắc tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong…
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ huynh đậu xe sát cổng trường gây khó khăn cho học sinh khi ra về. Nhất là xe ô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định, lấn chiếm vỉa hè… Cá biệt, có phụ huynh còn đưa cả xe 4 bánh vào tận sân trường để đưa đón con em mình, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh khác.
Nhiều phụ huynh tham gia giao thông nhưng không trang bị mũ bảo hiểm cho con (ảnh chụp vào sáng 9/10/2024, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và đường Bà Triệu - Phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K
Cần lắm ý thức của phụ huynh
Từ thực tế phụ huynh “vô tư” đậu đỗ xe khi đưa đón học sinh, mô hình Cổng trường ATGT đã được phát động và triển khai. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông đến trường, ra về.
Bên cạnh đó, các trường còn thành lập các đội thanh niên xung kích đảm bảo trật tự ATGT trước cổng trường. Tích cực phối hợp với lực lượng Công an để tuyên truyền về Luật Giao thông trong tiết chào cờ hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa như: tổ chức các cuộc thi viết, vẽ tranh, dàn dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa những tình huống liên quan đến pháp luật…
Tuy vậy, điều đáng buồn là vẫn còn một số phụ huynh ý thức chưa cao, bất chấp các quy định về ATGT, quy định của trường về nơi đậu đỗ xe khi đưa rước học sinh nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe cục bộ trước các cổng trường, nhất là trong giờ tan học. Suy cho cùng, một khi ý thức, thái độ của phụ huynh chưa chuyển biến thì sẽ rất khó cho các trường trong việc giữ gìn trật tự ATGT.
Ghi nhận thực tế vào sáng 9/10/2024 tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và đường Bà Triệu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) cho thấy, có rất nhiều phụ huynh tham gia giao thông nhưng không trang bị MBH cho con, từ học sinh cấp tiểu học đến THCS, THPT. Cá biệt có cả gia đình (gồm cha, mẹ và học sinh) đều không đội MBH nhưng vẫn vô tư đưa con đến trường hay cả những em học sinh trên tay có gắn băng “sao đỏ”, đeo khăn quàng đội viên mà không đội MBH…
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, các trường học ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền thì cần bố trí thêm các cổng phụ cũng như cắm biển hướng dẫn nơi đậu đỗ xe của phụ huynh để tránh tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, bất cập ở đây là đối với phía ngoài cổng trường thì nhà trường đã không còn “hiệu lực quản lý”. Do đó, chính quyền các địa phương cần có phương án xử lý tình trạng buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe trước cổng trường. Bên cạnh lực lượng thanh niên xung kích của nhà trường và địa phương thì cũng cần có thêm sự tham gia của lực lượng dân quân, công an để hỗ trợ tốt hơn việc phân luồng giao thông…
Có thể thấy, vấn đề cốt lõi để giải quyết tình trạng trên vẫn là ý thức của phụ huynh khi tham gia giao thông cũng như đậu đỗ xe khi đưa rước con em mình. Và một khi phụ huynh có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông thì cũng sẽ làm gương cho chính con em mình.
Châu Khánh
Mô hình Cổng trường ATGT nhiều năm qua đã được ngành Giáo dục phối hợp cùng địa phương, Công an các cấp… triển khai rộng khắp ở các trường học trên địa bàn tỉnh, từ cấp mầm non đến THPT. Ghi nhận cho thấy, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh triển khai mô hình này ở tất cả 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình đã tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức pháp luật về ATGT cho phụ huynh, học sinh, đội ngũ giáo viên… Qua đó góp phần rất lớn hạn chế tai nạn, va chạm, xung đột giao thông đối với phụ huynh, học sinh trong giờ đưa đón nói riêng, quá trình tham gia giao thông nói chung. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện mô hình Cổng trường ATGT ở các trường học là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự ATGT trước cổng trường nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung.
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc