Giáo dục - Học Đường

Năm học mới 2021 - 2022: Cần nhiều giải pháp để hóa giải thách thức

Thứ Sáu, 03/09/2021 | 14:42

Dịch COVID-19 gây tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống của người dân, khiến cho năm học 2021 - 2022 phải đặt trong tình thế sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục đang rất cần sự đồng hành, sẻ chia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là người dân để cùng gỡ khó, hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới.

DỰ BÁO NHIỀU KHÓ KHĂN

Khó khăn trước tiên là số lượng học sinh (HS) được huy động đến trường sẽ giảm hơn so với năm học trước. Với bậc mầm non, ngành Giáo dục đang rất chật vật trong công tác huy động. Theo đó, so với mặt bằng huy động trẻ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước thì Bạc Liêu có tỷ lệ huy động trẻ ở các nhóm/lớp Mầm, Chồi, Lá khá thấp. Nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt, trẻ được đến trường trở lại thì tỷ lệ này cũng không cải thiện được là bao.

Với giáo dục phổ thông, tỷ lệ huy động cũng không mấy khả quan. Biểu hiện rõ nhất là việc xếp lớp 10 năm nay có rất nhiều trường không đạt chỉ tiêu. Số lượng HS đăng ký nhưng không tham gia thi tuyển lên đến gần 400 em. Mặc dù Sở GD-KH&CN đã có phương án tổ chức thi lần 2 cho thí sinh diện F1, F2 nhưng số lượng đăng ký thi cũng rất ít. Điều này cho thấy các gia đình đang gặp khó về việc làm, kinh tế dẫn đến việc không thể tạo điều kiện cho con em tiếp tục đến trường. Và đương nhiên đây sẽ là một năm khá vất vả đối với ngành Giáo dục trong công tác huy động HS.

Một khó khăn nữa là chất lượng giáo dục có thể không đạt chỉ tiêu như các năm trước, bởi có sự thay đổi rất lớn trong việc dạy - học. Theo đó, hình thức dạy học gián tiếp, trực tuyến sẽ thay thế cho dạy học trực tiếp nên việc chưa quen, thiếu kinh nghiệm, lại thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị, sự không đồng đều về năng lực, điều kiện học tập của HS… kéo theo chất lượng dạy - học sẽ giảm. Đó là còn chưa kể việc không tập trung HS đến trường thì các mặt giáo dục khác: rèn luyện về thể chất, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống… chắc chắn cũng không đạt mục tiêu như mong đợi.

Một khó khăn nữa đang đón đợi chính là các nguồn lực dành cho giáo dục cũng có thể giảm. Ngoài ngân sách, ngành Giáo dục còn có sự tiếp sức của các nguồn lực xã hội hóa, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn chung vì dịch bệnh như hiện nay sẽ rất khó để vận động xã hội hóa giáo dục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị.

Thay cho sự háo hức, mong chờ năm học mới như mọi năm là sự lo lắng, ngổn ngang trăm mối của ngành, lãnh đạo các địa phương, đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh và HS khi chưa biết phải tiến hành năm học như thế nào để đạt hiệu quả trong tình hình hiện nay. Bởi vậy, điều cần kíp nhất lúc này là các thầy cô giáo, các phòng GD-ĐT cần thông tin đầy đủ, rộng rãi đến phụ huynh, HS để tạo sự an tâm, đồng thuận. Với quyền tự chủ được cho phép, các trường cần xác định rõ nội dung giảng dạy trực tuyến như thế nào để không làm thay đổi, đảo lộn kế hoạch chương trình dạy học của từng môn, từng khối lớp.

Các đơn vị trình bày khó khăn trong năm học mới với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD-KH&CN tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Ảnh: Đ.K.C

ĐỒNG HÀNH ĐỂ GỠ KHÓ

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm học mới, ngành Giáo dục ngoài việc chủ động, linh hoạt xây dựng phương án, kế hoạch năm học phù hợp với điều kiện thực tế; tận dụng tối đa thời gian vàng HS học ở trường để giảng dạy kiến thức trọng tâm, tăng cường dạy học trên truyền hình, trực tuyến; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong trường học; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xây dựng các kịch bản, giải pháp để ứng phó với các tình huống phát sinh, đảm bảo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”…, thì ngành rất cần sự sẻ chia, đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức chính - xã hội, các tầng lớp nhân dân để chung tay gỡ khó.

Theo đó, Sở GD-KH&CN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT-TT&DL làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ Internet có chế độ đãi ngộ bằng cách giảm chi phí lắp đặt ban đầu, hoặc giảm gói cước sử dụng hàng tháng cho các hộ dân sử dụng cho việc học trực tuyến ở nhà của HS. Ngành Giáo dục cũng rất mong các đơn vị thấu hiểu khó khăn của người dân thu nhập bấp bênh vì dịch bệnh lại phải bỏ ra chi phí lớn trong việc trang bị máy móc, thiết bị phục vụ học tập của con em.

Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-KH&CN, kiến nghị: “Vẫn biết thời gian qua, ngân sách của tỉnh đã rất tốn kém, khó khăn để chi cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, nhưng mong rằng UBND tỉnh nghiên cứu để có hướng miễn giảm học phí cho HS mầm non, phổ thông công lập của tỉnh để giảm bớt áp lực đầu năm học mới cho người dân. Có thể miễn, hoặc giảm 50% học phí học kỳ 1 trong năm học này. Nếu làm được điều này sẽ tạo ra ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, chia sẻ được khó khăn trước mắt với Nhân dân”.

Bên cạnh sự đồng hành, sẻ chia của các cấp, các ngành thì các địa phương, đơn vị cần vận dụng nhiều biện pháp để giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất quyết không để các em vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn mà phải bỏ học. Riêng các trường, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong cần nghiên cứu những hình thức, hoạt động giáo dục phù hợp để khuyến khích HS tham gia trong thời gian không thể đến trường, đảm bảo cho các em phát triển một cách toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần trong tình hình mới.

Song song đó, Sở sẽ đặc cách cho các thí sinh thuộc diện F1, F2 không thể tham gia thi tuyển sinh lớp 10 được sớm ổn định biên chế lớp học; nhanh chóng gửi văn bản hỏa tốc đến các tỉnh, thành có HS Bạc Liêu kẹt lại vì dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không làm gián đoạn việc học của các em. Riêng việc chậm trễ nguồn sách giáo khoa cung ứng vì vướng khâu vận chuyển, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa thiết yếu để các trường, phụ huynh, học sinh sớm tiếp cận. Trước mắt, giáo viên, phụ huynh, HS có thể truy cập bản điện tử sách giáo khoa miễn phí được Sở hướng dẫn để đảm bảo tính chính xác theo địa chỉ truy cập https://sachgiaokhoa.o-study.net.

KIM TRÚC

---------------------------------------

Ông Võ Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN:​ Không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học

Đây là năm học thật sự khó khăn của ngành Giáo dục trước tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19. Trong đó, chúng tôi đặc biệt cảm thông với khó khăn của phụ huynh học sinh khi thu nhập bị sụt giảm, nhiều người mất công ăn việc làm, kinh tế eo hẹp mà con em lại chuẩn bị bước vào năm học mới với rất nhiều khoản phải gồng gánh, lo toan. Bởi vậy, Sở GD-KH&CN đề nghị các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc thu các khoản phí đầu năm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu, gây khó cho phụ huynh. Các trường nên cân nhắc việc thu những khoản cần thiết, tạo thuận lợi để phụ huynh đóng học phí tùy theo từng hoàn cảnh (có thể miễn, giảm, giãn hoặc chia thành nhiều đợt thu trong năm).

Với các khoản thu hộ cũng phải thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, không tạo áp lực cho phụ huynh. Riêng công tác vận động xã hội hóa giáo dục cũng phải tùy tình hình thực tế và phải được phụ huynh thống nhất, đồng thuận.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.