Giáo dục - Học Đường

Năm học mới, kỳ vọng mới

Thứ Sáu, 16/09/2022 | 15:34

Năm học 2021 - 2022 dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhưng ngành Giáo dục (GD) tỉnh vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chất lượng GD - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các giải thưởng, tỷ lệ học sinh (HS) đậu cao vào các trường đại học tốp đầu cả nước ngày càng tăng… Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là những tín hiệu đầy lạc quan, tạo niềm tin, động lực để toàn ngành tiếp tục kỳ vọng, phấn đấu cho năm học 2022 - 2023.

Vượt khó vươn tới những tầm cao

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầy khó khăn của ngành GD tỉnh nhà vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước tình hình ấy, toàn ngành đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế của địa phương; nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng GD…

Theo đó, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được các địa phương quan tâm thực hiện, đạt tỷ lệ cao và cao hơn mức bình quân chung của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chất lượng GD phổ thông tiếp tục được duy trì, ổn định và đạt ở mức cao. Thầy, trò toàn ngành còn gặt hái hàng trăm giải thưởng từ các kỳ thi, hội thi cấp quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện trong năm học 2021 - 2022… Đây không chỉ là nỗ lực của riêng mỗi cá nhân, tập thể, mà còn là nỗ lực chung của toàn ngành trong việc quyết tâm nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, đại trà, hướng đến dạy thật - học thật để vươn tới mục tiêu dạy tốt - học tốt.

Chính nền tảng tốt đẹp ấy đã tạo nên động lực để thầy và trò các trường hiện thực hóa những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, nỗ lực hoàn thành xuất sắc hơn nữa các mục tiêu đã đề ra trong năm học mới.

Theo đó, trong năm học 2022 - 2023, thầy và trò Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà trường, đẩy mạnh việc dạy học phân hóa theo năng lực HS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học; đẩy mạnh đổi mới công tác GD nhằm phát huy tích cực tính chủ động, sáng tạo của HS; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng lý thuyết trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong HS; tiếp tục đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; đẩy mạnh công tác GD đạo đức, lối sống cho HS.

Năm học mới này, hơn 1.400 giáo viên, HS Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) hạ quyết tâm thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động dạy và học; nêu cao ý thức tự học, tự phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên và ý thức rèn luyện, tu dưỡng của HS; nâng cao hiệu quả hoạt động của lớp học, tổ chuyên môn, các tổ chức trong nhà trường; phối hợp tốt GD HS giữa nhà trường với gia đình và xã hội…

Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu) đã vào nền nếp giảng dạy, học tập trong năm học mới. Ảnh: Đ.K.C

Đặt nhiều kỳ vọng trong năm học mới

Năm học 2022 - 2023 bắt đầu trong điều kiện khá đặc biệt. Đó là đại dịch COVID-19 cơ bản được khống chế nhưng thách thức vẫn còn với tác động của dịch bệnh đến chất lượng GD, đến sức khỏe của HS về cả thể chất lẫn tinh thần, đến các mục tiêu rèn luyện về kỹ năng và những ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác đến từng hộ gia đình, từng phụ huynh. Cho nên, việc chủ động linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho HS, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng GD không chỉ là những việc mà ngành, đội ngũ thầy cô giáo cần phải làm cho năm học mới, mà còn là kỳ vọng từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Nhân dân cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng.

Năm học này còn có cái khó mà ngành phải đối mặt là việc thiếu giáo viên. Nhưng thật kịp thời khi trước thềm khai giảng, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026; riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Với chuyện học phí, Bộ GD-ĐT cũng đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với HS, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân. Theo đó, trước thềm khai giảng nhiều địa phương đã chủ động đưa ra phương án giữ nguyên mức học phí hoặc miễn học phí bậc THCS cho HS từ năm học 2022 - 2023. Riêng Bạc Liêu tạm thời chưa thu học phí năm học mới đối với cấp mầm non, phổ thông công lập; các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể… cũng được thu nhiều lần để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Không chỉ vậy, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho HS mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023. Phương án này nếu được triển khai thực hiện cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho HS, phụ huynh, nhất là HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở vùng sâu, vùng xa.

Những việc làm ý nghĩa trên càng cho thấy xã hội ta bấy lâu nay luôn dành sự ưu ái đặc biệt đối với công tác GD. Và lẽ hiển nhiên càng quan tâm thì sẽ càng kỳ vọng. Thế nên, bây giờ chính là lúc ngành GD, các ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo phải bắt đầu năm học mới với quyết tâm thật cao để những kỳ vọng kia được trở thành hiện thực.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.