Giáo dục - Học Đường
Năm học mới và chuyện tiền lương, biên chế nhà giáo
Năm học 2023 - 2024 được xác định là năm trọng tâm đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo chiều sâu, nhưng khó khăn chồng chất khi cả nước có hơn 40.000 giáo viên (GV) bỏ việc. Riêng Bạc Liêu hiện đang thiếu hơn 1.000 GV ở tất cả các bậc học. Chính thu nhập, tiền lương chưa tương xứng với nghề là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều GV “dứt áo ra đi”. Bởi vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo chính là tia hy vọng được các thầy cô gửi gắm sẽ giải quyết triệt để mọi vấn đề, giúp họ yên tâm cống hiến.
…………………….....................................................................................................................................................................................................
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn: Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục
Tại buổi gặp gỡ nhà giáo trước thềm năm học mới diễn ra vào giữa tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Theo Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT đã có những đề xuất đến Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay.
Bộ trưởng khẳng định: Lãnh đạo Bộ GD-ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
“Có những việc đã làm được, chưa làm được, có thể không làm được nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, hễ có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”, Bộ trưởng nói.
Gửi tới giáo viên cả nước những mong mỏi, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên là “Chúng ta cần thực hiện thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần coi đây là cơ hội, là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện. Thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất”.
…………………………………...................................................................................................................................................................................
VẤT VẢ VÌ ĐỒNG LƯƠNG
Một GV có thâm niên hơn 10 năm công tác tại một trường THPT trên địa bàn huyện Phước Long có tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng (tính cả lương và phụ cấp). Với mức lương hiện hưởng, giáo viên này phải xoay sở đủ cách, tiết kiệm chi tiêu mới đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với 2 đứa con nhỏ. Thậm chí trong hè, GV này còn tranh thủ bán thêm hàng online và nhận làm thêm một số việc để có thêm thu nhập, chuẩn bị cho các con vào năm học mới.
Một trường hợp khác còn chua chát hơn, khi một GV tiểu học ở TP. Bạc Liêu chỉ còn vài tháng nữa là về hưu với hơn 30 năm cống hiến cho nghề, nhưng tổng thu nhập hiện tại của cô chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Vừa qua, trong một chuyến công tác về địa bàn vùng sâu của huyện Đông Hải, chúng tôi thật chạnh lòng khi nghe tâm tình của GV một trường THCS khi cả hai vợ chồng hơn 10 năm cống hiến cho giáo dục, nhưng đến hiện tại vẫn chưa mua nổi một căn nhà, phải ở nhà công vụ.
Theo các thầy cô, mong ước lớn nhất của GV chính là sống được bằng lương. Khi nào đồng lương của GV đủ để trang trải cuộc sống thì người thầy mới có thể yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến hết mình cho nghề.
Vừa qua, trước thềm năm học mới, vấn đề tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo đã được nhắc đến tại sự kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT. Đã có hơn 6.000 ý kiến gửi đến Bộ trưởng, trong đó đa phần là nêu lên thực trạng về những áp lực mà viên chức, người lao động phải đối diện nhưng thu nhập lại thấp, đời sống khó khăn. Điều này đã dẫn đến hệ quả đau lòng là không ít GV xin thôi việc, chuyển công tác khác. Đáng lo ngại hơn là không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nghề “tay trái” ngoài công việc giảng dạy như: bán hàng online, tư vấn bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, chạy sô dạy thêm… làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Một số GV vẫn mang tâm lý không chịu nhập cuộc với chương trình mới vì cho rằng công việc, áp lực tăng thêm nhưng thu nhập, tiền lương vẫn cứ “dậm chân tại chỗ”, hoặc lương cơ sở có tăng vẫn không thể bù trượt giá, “bão” giá hiện nay!
………………............................................................................................................................................................................................................
Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Cần được bổ sung giáo viên đã qua tuyển dụng
Trước tình trạng thiếu GV trong năm học 2023 - 2024, hiện nay Sở GD-ĐT đang trình các cấp có thẩm quyền tiến hành tuyển dụng GV trên cơ sở biên chế được giao. Đồng thời cũng đề nghị các địa phương căn cứ trên biên chế được giao cho ngành Giáo dục để tuyển dụng GV. Khó khăn hiện nay là nguồn tuyển đang thiếu, do đó ngành phải thực hiện giải pháp tình thế là động viên GV tham gia dạy tăng giờ, tăng buổi. Bên cạnh đó, giao cho các cơ sở giáo dục chủ động tìm nguồn để đề xuất với Sở GD-ĐT, hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố để hợp đồng, thỉnh giảng…
Theo đó, về cơ bản, ngành vẫn khắc phục được tình trạng thiếu GV để các trường có thể triển khai kế hoạch dạy và học, nhưng về lâu và dài thì rất cần được bổ sung GV đã qua tuyển dụng cho các trường để đảm bảo công tác dạy và học cho toàn ngành nói chung, các trường nói riêng.
……….......................................................................................................................................................................................................................
LƯƠNG ĐẶC THÙ VÌ CÔNG VIỆC ĐẶC THÙ
Ngay khi Thủ tưởng Chính phủ - Phạm Minh Chính thống nhất với Tờ trình của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật, đội ngũ nhà giáo vô cùng phấn khởi và kỳ vọng dự án Luật Nhà giáo đang được xây dựng sẽ giúp giải bài toán “sống được bằng lương” của GV.
Nhiều thầy cô bày tỏ: thu nhập những năm qua dù đã được quan tâm cải thiện nhưng vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của xã hội, vật giá thị trường. Do đó, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này thì cần một chính sách mang tính đột phá, căn cơ và mạnh mẽ. Dự án Luật Nhà giáo lần này chính là tia hy vọng, là chìa khóa để mở ra cánh cửa đó. Bởi vậy, đội ngũ nhà giáo mong rằng dự án Luật sẽ đánh giá lại toàn diện bản chất lao động của GV để xã hội nhìn nhận rõ, đúng vấn đề, công sức nhà giáo đã bỏ ra. Bởi vì, trước nay nhiều người vẫn khư khư quan điểm GV rất “nhàn” (được nghỉ hè hưởng lương; dạy học theo buổi, tiết trong ngày; soạn giáo án một lần dùng nhiều năm…)?!
Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) trong một tiết dạy. Ảnh: Đ.K.C
Thực tế đã chứng minh, lao động của GV là loại lao động đặc thù, đầy vất vả, cực nhọc, đặc biệt là GV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… Công việc của họ không chỉ diễn ra trên bục giảng, trường lớp mà còn mở rộng ra ngoài xã hội. Để có được một bài giảng hay, cuốn hút học trò và thỏa các điều kiện của chương trình mới như hiện nay đòi hỏi GV phải soạn bài, cập nhật kiến thức mới, bổ sung giáo án liên tục. Ngoài giảng dạy, GV còn phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động của nhà trường… Đó là còn chưa kể, ngoài công tác giảng dạy, GV còn phải quan tâm, quản lý từng học sinh; phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục các em. Với địa bàn vùng sâu, xa, vùng có đông đồng bào dân tộc khó khăn, GV chủ nhiệm còn phải đến từng nhà để vận động, khuyến khích học sinh đến trường. Những công việc “không tên” ấy mấy ai đã thấu hiểu?!
Chính vì lao động của nghề giáo là lao động đặc thù nên rất cần cơ chế, chính sách tiền lương, đãi ngộ theo hướng đặc thù. Mong dự Luật hãy dùng bài toán tương thích để đánh giá công sức, thời gian GV bỏ ra để tính các mức lương, phụ cấp, đãi ngộ sao cho phù hợp nhất, tạo động lực để giữ chân nhà giáo và thu hút những GV trẻ, có tâm huyết tiếp tục cống hiến cho ngành, cho sự nghiệp “trồng người” cao quý.
KIM TRÚC
Nan giải bài toán thiếu giáo viên
Năm học 2023 - 2024 đã khởi động gần 1 tháng nhưng tình trạng thiếu GV đứng lớp vẫn còn chưa được giải quyết thấu đáo. Dù việc thiếu GV trực tiếp đứng lớp tính đến thời điểm này đã cơ bản được giải quyết bằng cách hợp đồng, thỉnh giảng… nhưng về lâu, về dài, đây không phải là cách giải quyết thấu đáo vì với cách này, gánh nặng trách nhiệm, kinh phí được các ngành chức năng “đá” về phía các trường học.
Giáo viên Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu) được tăng cường hỗ trợ trẻ trong bữa ăn bán trú. Ảnh: Đ.K.C
THIẾU GV QUA NHIỀU NĂM HỌC
Ngành Giáo dục bước vào năm học 2023 - 2024 với nỗi lo còn thiếu 1.212 GV so với định mức. Trong đó, cấp học mầm non (MN) thiếu 302 GV, cấp tiểu học (TH) thiếu 405 GV, cấp THCS thiếu 174 GV, các trường THCS-THPT thiếu 71 GV, cấp THPT thiếu 260 GV. Còn nếu so với biên chế GV được giao năm 2023 là 8.162 biên chế thì toàn ngành còn thiếu 1.018 biên chế GV.
Ông Trần Bằng Phi - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu, cho biết: “Trước tình trạng còn thiếu GV đứng lớp khi năm học 2023 - 2024 bắt đầu, chúng tôi đã tạm thời giải quyết bằng cách hợp đồng và thỉnh giảng nhằm đảm bảo học sinh được học đầy đủ các môn học và số tiết học theo quy định. Bên cạnh đó, ngành cũng tích cực tham mưu cho UBND thành phố tiến hành các bước để tuyển dụng GV nhằm kịp thời bổ sung nguồn GV có trình độ, có chất lượng cho các đơn vị trường học. Theo đó, sắp tới đây sẽ có trên 120 biên chế GV đã qua tuyển dụng sẽ được bổ sung cho ngành trong năm học 2023 - 2024 để giải quyết khó khăn cho các đơn vị trường học”.
Trước đó, khi bước vào năm học 2022 - 2023, nếu tính theo định biên, biên chế được giao thì toàn ngành Giáo dục tỉnh còn thiếu trên 1.000 biên chế. Còn nếu tính theo định mức GV/lớp so với quy định của Bộ GD-ĐT thì toàn ngành hiện thiếu khoảng 1.200 GV. Điều này có nghĩa, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2023 - 2024, tình trạng thiếu GV của ngành Giáo dục vẫn cơ bản không được giải quyết!
GÁNH NẶNG CỦA CÁC TRƯỜNG
Theo ghi nhận, tình trạng thiếu GV đứng lớp hiện nay đang diễn ra toàn ngành, đơn vị trường học nào cũng thiếu, không chỉ ở nông thôn mà ngay cả các trường trung tâm trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn thiếu.
Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (Phường 1, TP. Bạc Liêu), nếu so với định mức thì đơn vị này hiện nay vẫn còn thiếu 5 GV (2 GV chủ nhiệm, 1 GV thể dục và 1 GV tin học). Còn thực tế, đơn vị hiện có 41 GV, trong đó chỉ có 38 biên chế, còn 3 GV thuộc diện hợp đồng.
Cô La Thị Đang - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, chia sẻ: “Trước tình trạng thiếu GV ở mỗi năm học, đơn vị phải tìm nguồn và tiến hành hợp đồng để đảm bảo đủ GV đứng lớp. Số GV hợp đồng này đơn vị phải tự trả chi phí từ nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động khác vì thiếu kinh phí hoạt động”.
Được biết, đơn vị hiện đang hợp đồng với 1 GV chủ nhiệm và 2 GV tiếng Anh. Trong đó, 1 GV chủ nhiệm được hợp đồng trong biên chế với hệ số lương khởi điểm 2.34. Còn 2 GV dạy môn Tiếng Anh được hợp đồng theo thời vụ với mức 70.000 đồng/tiết. Trong khi đó, GV diện hợp đồng như thế đôi khi chỉ dạy 12 tiết/tuần (thu nhập chỉ trên 3,3 triệu đồng/tháng) thì cuộc sống cũng rất bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải nên rất khó theo nghề lâu dài.
Ngoài ra, đến nay đơn vị vẫn chưa có GV môn Tin học, nên chưa thể tổ chức dạy môn học này. Nguyên nhân là đang chờ bổ sung 1 GV môn Tin học (đã có biên chế) từ đơn vị khác về.
Thiếu GV, các đơn vị phải tiến hành hợp đồng, thỉnh giảng… đang là tình trạng chung của các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Và, với cơ chế như hiện nay thì chi phí phải trả cho các GV hợp đồng, thỉnh giảng các đơn vị phải tự trả từ nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị. Đây thật sự là gánh nặng mà các ngành chức năng “đẩy” xuống cho các trường, trong khi biên chế được giao qua nhiều năm vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng.
CHÂU KHÁNH
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người