Giáo dục - Học Đường
Nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh cấp tiểu học: Nhiều việc phải làm
Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên cả nước nói chung, ngành Giáo dục Bạc Liêu nói riêng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) đối với khối lớp 3. Trong đó, Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ là những môn học bắt buộc. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018 trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên.
Giờ học môn Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K
Còn nhiều khó khăn
Nhằm tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh cấp tiểu học” nhằm trao đổi, bàn bạc, thống nhất các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, kịp thời phát hiện nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các nhà trường để tạo sự lan tỏa, góp phần duy trì, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học nói riêng.
Theo CTGDPT 2018, Tiếng Anh khối lớp 3 có 140 tiết/năm học (chỉ đứng sau Tiếng Việt với 245 tiết/năm và Toán với 175 tiết/năm). Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời lượng dạy môn Tiếng Anh là 2 tiết/tuần (đối với lớp 1 và 2), 4 tiết/tuần (đối với lớp 3, 4 và 5). Tuy nhiên, do thiếu giáo viên dạy tiếng Anh nên các trường ưu tiên dạy 4 tiết/tuần đối với lớp 3 và 5, đảm bảo theo quy định của chương trình, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 5 khi chuyển sang học lớp 6. Bên cạnh đó, có đơn vị phối hợp, tổ chức cho học sinh tiểu học được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài bằng hình thức xã hội hóa.
Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh có 112 trường tiểu học công lập với 202 giáo viên dạy tiếng Anh (trong đó có 153 biên chế). Bình quân mỗi trường tiểu học có ít nhất 1 giáo viên tiếng Anh để giảng dạy. Giáo viên đạt trình độ B2 trở lên chiếm tỷ lệ 54,95%, trong đó có 2 giáo viên đạt trình độ C1. Số lượng giáo viên tiếng Anh cơ bản đảm bảo để dạy lớp 3 theo CTGDPT 2018. Tuy nhiên, để đáp ứng việc dạy tiếng Anh lớp 4 và 5 theo lộ trình thì cần bổ sung thêm giáo viên dạy môn học này.
Ngoài thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy Tiếng Anh cũng còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ, kịp thời. Ông Nguyễn Bá Long - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Để đảm bảo phòng học môn Tiếng Anh, Sở GD-ĐT đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án trang bị phòng máy tính cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh (chức năng của phòng này dạy học cả môn Tiếng Anh và Tin học). Hiện nay, các bước triển khai đã hoàn tất, đang lắp đặt, bàn giao cho các trường sử dụng trong năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó, một số trường tiểu học được Phòng GD-ĐT đầu tư trang bị phòng tiếng Anh để thực hiện CTGDPT 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, phòng học tiếng Anh trang bị trễ so với lộ trình thực hiện CTGDPT 2018 nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh ở các trường tiểu học, nhất là khối lớp 3 năm học 2022 - 2023.
Đi tìm giải pháp
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và cùng thảo luận nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh thời gian tới trong các trường tiểu học như: Công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn quản lý trong tổ chức dạy học môn Tiếng Anh (Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu); Công tác tham mưu đảm bảo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học theo CTGDPT 2018 (Phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân); Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trong trường tiểu học (Trường tiểu học Hoa Lư, huyện Vĩnh Lợi); Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh trong trường tiểu học (Trường tiểu học C thị trấn Phước Long, huyện Phước Long); Vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học (Trường tiểu học Giá Rai B, TX. Giá Rai); Một số phương pháp dạy tiếng Anh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh (Trường tiểu học Hòa Bình A, huyện Hòa Bình); Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh lớp 3 (Trường tiểu học Kim Sơn, huyện Đông Hải)…
Ông Nguyễn Bá Long cho biết thêm: Thông qua hội thảo nhằm góp phần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của cán bộ quản lý và giáo viên trong công tác chỉ đạo, giảng dạy môn Tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, giải pháp được đưa ra là tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018. Trong đó chú trọng công tác tự bồi dưỡng và bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của giáo viên. Các trường tiểu học cần linh hoạt, đa dạng những hình thức sinh hoạt chuyên môn (tổ chuyên môn, cụm trường), hội thảo…, đối với môn Tiếng Anh để giáo viên được trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; mở rộng mô hình dạy tiếng Anh xã hội hóa và tăng thời lượng dạy học đối với các trường có điều kiện.
Với việc nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những ưu điểm và hạn chế đã qua và xác định các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trong trường tiểu học thời gian tới, tin rằng ngành Giáo dục tỉnh sẽ có những thành quả ngọt ngào hơn trong công tác dạy học môn Tiếng Anh nói riêng, công tác giáo dục nói chung nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng ở các cấp học.
Châu Khánh
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người