Giáo dục - Học Đường
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình THPT: Đổi mới để không tụt hậu!
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là năm học 2023 - 2024 chính thức bắt đầu. Bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới thì ngành Giáo dục tỉnh đã cùng nhìn lại những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của năm học 2022 - 2023, từ đó có cái nhìn tổng quan để khắc phục trong năm học mới. Trong đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục THPT đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành.
Đại diện Sở GD-ĐT khen thưởng các tập thể cấp THPT có thành tích tốt trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2022 - 2023”. Ảnh: Đ.K.C
Vì mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng lấy học sinh (HS) làm trung tâm. Theo đó, các đơn vị đã đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục một cách khoa học, hiện đại, tăng cường mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy học - giáo dục; tăng cường tổ chức các hoạt động thí nghiệm - thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường dự giờ, thăm lớp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên đề cấp trường, cụm trường, phòng, sở; đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học. Song song đó, công tác chấn chỉnh, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS tiếp tục được quan tâm và xem đây là giải pháp trọng tâm làm chuyển biến theo hướng “dạy thật - học thật” để vươn tới mục tiêu “dạy tốt - học tốt”.
Việc thực hiện giáo dục STEM (giáo dục tích hợp theo hướng tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng) được các trường đặc biệt chú trọng. Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường đã áp dụng linh hoạt các nội dung, hình thức tổ chức giáo dục STEM thông qua việc dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật… Trong năm học 2022 - 2023 đã có 1.056 bài học/chủ đề giáo dục STEM, 411 dự án khoa học - kỹ thuật được HS thực hiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng được xem là khâu then chốt. Sở GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giáo viên thấy rõ hiệu quả, tính tất yếu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Sở còn phát động sâu rộng thành phong trào và đề ra yêu cầu cụ thể về số tiết ứng dụng công nghệ thông tin đối với mỗi giáo viên; đồng thời nâng cao trình độ tin học cho giáo viên thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng, tạo điều kiện học tập…
Không để dậm chân tại chỗ
Chính sự đổi mới đồng bộ ở tất cả các mặt theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS đã mang lại kết quả đầy khả quan cho giáo dục THPT trong năm học 2022 - 2023. Cụ thể, điểm trung bình môn (từ trung bình trở lên) ở 8 môn học (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh) đều đạt từ 82% trở lên. Tỷ lệ HS được xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên chiếm gần 99%; HS khá trở lên đạt trên 61%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2022 với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,72%. Trong đó, có 15 trường THPT và 3 trung tâm GDTX có tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%.
Trong năm học này, Sở cũng đã tuyển chọn, thành lập 9 đội tuyển HS giỏi với 54 HS tham gia kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia. Kết quả đoạt 4 giải, với 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, Sở đã cấp giấy chứng nhận cho 46 dự án đoạt giải trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh; chọn 2 dự án xuất sắc để dự thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức và đoạt 1 giải Triển vọng.
Nhìn vào bình diện chung, không thể phủ nhận những nỗ lực của toàn ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục THPT theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhưng nếu đặt trong sự tương quan, đối sánh với cả nước thì chất lượng giáo dục THPT của tỉnh nhà đang có dấu hiệu bị “dậm chân tại chỗ”.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, bày tỏ lo lắng: “Năm nay theo thống kê, Bạc Liêu xếp thứ 17 cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp. Dù điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có tăng 0,084 so với năm 2022, nhưng so với mặt bằng chung thì một số tỉnh, thành đã bắt đầu bứt tốc, đưa Bạc Liêu ra khỏi vị trí tốp 10 cả nước. Điều này đã cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông đang có dấu hiệu chững lại, dậm chân tại chỗ và đòi hỏi toàn ngành, các trường THPT phải nhìn nhận khách quan để có hướng điều chỉnh, đổi mới kịp thời. Nếu chúng ta cứ mãi bằng lòng với hiện tại, không cố gắng nỗ lực và cứ buông lơi thế này thì sẽ rất nguy hiểm…”.
Kim Trúc
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người