Giáo dục - Học Đường

Nâng chất hướng nghiệp học đường

Thứ Sáu, 10/01/2025 | 16:41

Hiện nay, ở nhiều trường THPT, giáo viên chủ nhiệm thường kiêm thêm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Vì khối lượng công việc nhiều, lại “nghiệp dư” nên giáo viên rất khó để tư vấn chuyên sâu. Bởi vậy, để định hướng đúng và trúng thì ngoài sự nhanh nhạy, tâm huyết, các thầy cô còn cần được bồi dưỡng thường xuyên năng lực hướng nghiệp.

Học sinh các trường THPT trải nghiệm nghề nghiệp “Một ngày làm nhân viên y tế” tại Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu.

Cần nâng cao năng lực hướng nghiệp cho giáo viên

Là giáo viên Ngữ văn, lại có thâm niên làm công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải) hiểu rất rõ tâm lý của học sinh khi chọn nghề. Cô chia sẻ: “Đa số các em thường ít nói chuyện với cha mẹ về nghề nghiệp tương lai, nhưng sẵn sàng tâm sự với thầy cô để được nghe lời khuyên. Nhiều năm nay, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị hữu quan tổ chức dưới nhiều hình thức. Thời điểm trước hoặc sau tết Nguyên đán, các em được tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp, cập nhật thông tin về dịch vụ việc làm, công tác tuyển sinh… của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề để có cái nhìn tổng quan hơn về nghề nghiệp tương lai mình muốn chọn”.

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô làm công tác hướng nghiệp, để định hướng chuẩn xác cho học sinh, họ thường dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Trước tiên, giáo viên tư vấn phải thật sự hiểu và nắm bắt được xu hướng phát triển của “thế giới nghề nghiệp” trong học sinh thông qua nhiều kênh khác nhau. Sau đó là giúp học sinh thấu hiểu chính mình, tự vấn bản thân có khả năng, sở trường ở lĩnh vực gì để định hướng cho đúng. Song song đó, giáo viên sẽ tham khảo thêm các thông tin về dự báo nguồn nhân lực ở các ngành nghề trên phương tiện truyền thông chính thống và từ một số trường đại học. Từ đó, tư vấn cho phụ huynh và học sinh có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp.

Thời điểm này, các thầy cô đang hướng dẫn học sinh xây dựng hồ sơ học tập để đáp ứng yêu cầu của một số ngành ở các trường đại học. Các thầy cô đều cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh cần làm ngay từ năm lớp 10 chứ không phải tới lớp 12 mới làm.

Ông Đặng Thành Lực - Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân), cho biết: “Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh được trường chúng tôi nói riêng, các trường nói chung đặc biệt quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có đội ngũ tư vấn có đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về hướng nghiệp cho học sinh. Bởi vậy, việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực hướng nghiệp cho giáo viên là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay với các nhà trường”.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trao đổi về ngành nghề lựa chọn tương lai. Ảnh: Đ.K.C

Đa dạng hình thức bồi dưỡng

Để đáp ứng yêu cầu công tác hướng nghiệp cho học sinh, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp cần được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Trước thực tế này, thời gian qua, Bộ GD-ĐT và ngành Giáo dục tỉnh nhà đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên làm quen với sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Các trường cũng quan tâm bồi dưỡng giáo viên dạy hoạt động này, có sơ kết, tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm làm tốt cũng như khắc phục một số nhược điểm.

Không chỉ vậy, hoạt động này còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ngành hữu quan, các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, các liên chi hội sinh viên… Qua đó thể hiện mối liên hệ giữa trường phổ thông, trường đại học, doanh nghiệp, ngành hữu quan trong việc hỗ trợ các trường làm tốt công tác hướng nghiệp. Ngoài ra, hiện nay nhiều trường trong tỉnh còn áp dụng nhiều cách làm sáng tạo như thông qua sinh hoạt dưới cờ, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh tự học tập, rèn các kỹ năng và có sự lựa chọn đúng đắn.

Thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có vai trò lớn vì luôn gần gũi và gắn bó với học sinh. Tuy nhiên, chỉ gần gũi, gắn bó thôi chưa đủ, các thầy cô còn cần có kỹ năng hướng nghiệp cho học trò, phải hiểu được lĩnh vực hướng nghiệp, xu thế nghề nghiệp hiện đại nên rất cần được bồi dưỡng chuyên sâu. Dù Bộ GD-ĐT đã có những chương trình bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, nhưng nội dung về hướng nghiệp chưa thật sự rõ nét. Do vậy, cần có chương trình bồi dưỡng dành riêng cho giáo viên về công tác hướng nghiệp. Bên cạnh đó, các trường cần có cơ chế đãi ngộ hoặc cân đối một khoản tài chính nhất định để bồi dưỡng thêm cho giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp; tạo điều kiện cho các thầy cô được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn… để có thêm động lực cống hiến cho công tác “định hình tương lai” đặc biệt này.

Cùng với sự nỗ lực từ phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (hướng nghiệp), tinh thần chủ động trong định hướng chọn nghề của học sinh thì cần lắm sự sẻ chia, thấu hiểu của cha mẹ. Phụ huynh hãy là những người bạn đồng hành đáng tin cậy để hiểu con mình thích gì, có sở trường về lĩnh vực nào, từ đó động viên, tạo điều kiện cho con phát triển theo đúng năng lực, sở thích.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.