Giáo dục - Học Đường
Ngăn tiêu cực từ dạy thêm, học thêm
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD-ĐT công bố xin ý kiến góp ý đến ngày 22/10. Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 17/2012. Theo đó, dự thảo hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học. Điều này khiến dư luận xã hội và phụ huynh, học sinh (HS) vô cùng phấn khởi vì sắp được “cởi trói” khỏi những ràng buộc vô hình.
Tạo cơ chế giám sát toàn dân
Thực tế, chuyện “ép” phụ huynh, HS phải “tự nguyện một cách bắt buộc” học thêm đã và đang diễn ra thường xuyên. Cách đây không lâu, người viết được một độc giả (TP. Bạc Liêu) phản ánh: Thấy con suốt ngày cứ phải “chạy sô” ở các lớp học thêm, tôi xót quá nên năm học vừa rồi tôi cho con nghỉ, không theo lớp dạy thêm của giáo viên chủ nhiệm (trong khi 3/4 lớp đều theo học buổi tối). Dù giáo viên không gây khó dễ, nhưng đến cuối học kỳ 1, khi biết kết quả kiểm tra môn Toán và Tiếng Việt, tôi mới bật ngửa vì có một số dạng bài nâng cao con mình không làm được bởi nội dung này cô không dạy trên lớp, mà chỉ kèm ở lớp học thêm. Vậy là buộc lòng qua học kỳ 2, tôi phải cho con “tái hòa nhập cộng đồng”.
Để công khai, minh bạch, tạo cơ chế giám sát toàn dân, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mới này có nhiều điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định trước đây nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Với dự thảo lần này, điều đó được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp. Đơn cử như ở cấp tiểu học, dự thảo nêu nguyên tắc: “Đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm, học thêm”. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày đương nhiên không dạy thêm, học thêm trong trường. Như vậy, đảm bảo sự công bằng giữa tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Thứ hai, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh. Cụ thể, dự thảo quy định rõ phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn: Muốn dạy thêm môn nào, lý do vì sao phải dạy thêm? Mục tiêu dạy thêm là gì? Để đạt mục tiêu đó thì nội dung dạy thêm là gì, thời lượng là bao nhiêu? Danh sách cụ thể giáo viên đăng ký dạy thêm?...
Đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (cơ sở dạy thêm) phải làm hai việc. Trước hết là phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và thứ hai là phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Việc công khai là để toàn dân cùng giám sát.
Phụ huynh chờ rước con ở một lớp học thêm trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: Đ.K.C
Không ép HS học thêm dưới mọi hình thức
Để tránh chuyện hình thức, vì có quy định phải viết đơn nên sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực ép HS viết đơn tự nguyện, do vậy phải có quy định rõ ràng mọi thông tin về dạy thêm, học thêm, HS và phụ huynh mới có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng HS. Theo đó, dự thảo quy định rõ nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo rõ hiệu trưởng để lưu hồ sơ. Nếu trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có HS của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường phải báo cáo, lập danh sách các HS đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm. Như vậy, không cấm giáo viên dạy thêm chính HS của mình khi HS và phụ huynh thật sự có nhu cầu, tuyệt đối không được ép buộc.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá HS” tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay: HS nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.
Trên thực tế dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là một hoạt động kinh doanh, do đó đã tổ chức thì phải đăng ký kinh doanh, kể cả là hộ kinh doanh cá thể. Với Bộ GD-ĐT, yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai trước khi tổ chức. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm… không chỉ để ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, mà cả toàn dân, HS, phụ huynh cùng tham gia giám sát dựa trên những cơ sở được ban hành.
Vấn đề mà toàn dân, dư luận xã hội đặc biệt trông chờ chính là dự thảo mới có thể chấn chỉnh, giải quyết tận gốc rễ tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm đã cố hữu, đặc biệt là vấn nạn “ép” HS học thêm dù các em không muốn!
Mai Khôi
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh