Giáo dục - Học Đường
Ngành GD-ĐT huyện Đông Hải: Nhiều nỗ lực trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của huyện Đông Hải và trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được cụ thể hóa trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025. Chính sự quyết liệt ấy đã mang đến nhiều khởi sắc cho sự nghiệp GD-ĐT của huyện ven biển này.
Những thành tựu quan trọng
Trong 3 năm từ 2019 - 2022, công tác xây dựng trường lớp, nhất là trường ĐCQG của Đông Hải đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Quy mô, mạng lưới trường học được quy hoạch cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em trong huyện. Hệ thống các trường mầm non công lập, các trường phổ thông cơ sở và các trường THPT được đầu tư theo hướng hiện đại. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đúng mức bằng nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp với tổng số vốn đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng… Theo thống kê, giai đoạn này, huyện đã đầu tư xây dựng 363 phòng học, phòng chức năng cho 22 trường ĐCQG với tổng kinh phí gần 336 tỷ đồng; đồng thời chi hơn 59 tỷ đồng để đầu tư mua sắm thiết bị cho các trường ĐCQG...
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, huyện còn chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo để đáp ứng tiêu chuẩn của trường ĐCQG. Theo đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của huyện luôn nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngại khó khăn để huy động, duy trì sĩ số học sinh (HS), thực hiện tốt các hoạt động giáo dục. Đội ngũ này cũng không ngừng tự học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tác phong… giúp nâng dần tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp học.
Tính đến nay, toàn huyện có 28/42 trường ĐCQG (đạt tỷ lệ 66,67%); trong đó mầm non có 9/11 trường, tiểu học 12/18 trường, THCS 4/10 trường, THPT 3/3 trường. Hiện tại vẫn còn 14 trường chưa đạt chuẩn (gồm 2 trường mẫu giáo, 6 trường tiểu học và 6 trường THCS).
Hiện nay, các trường tổ chức thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giáo dục; trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đối với HS có hoàn cảnh khó khăn, có năng khiếu, HS gặp khó trong học tập, rèn luyện; quan tâm việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương ở các môn học theo quy định của Bộ GD-ĐT, cũng như chú trọng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống… Nhờ vậy, trong các năm qua, HS các cấp có học lực trung bình trở lên đều đạt trên 98%; HS có hạnh kiểm khá, tốt trở lên đạt trên 99%; HS tốt nghiệp THCS, THPT, lên lớp luôn đạt từ 99% trở lên…
Cơ sở vật chất khang trang của Trường THCS Lê Hồng Phong. Ảnh: Đ.K.C
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng công tác xây dựng trường ĐCQG của huyện vẫn còn vấp phải không ít khó khăn, chủ yếu là thiếu cơ sở vật chất, ngân sách đầu tư cho xây dựng mới và duy trì các trường ĐCQG còn hạn chế, số trường cần duy trì để đạt chuẩn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Đó là còn chưa kể, việc huy động các nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn còn nhiều khó khăn, chưa huy động được tối đa sự tham gia của xã hội, cộng đồng cho giáo dục - đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn còn thấp nên rất cần sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hình thức huy động. Bên cạnh đó là việc đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa thật sự đồng bộ ở một số cấp học nên gây khó cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng đổi mới; đội ngũ nhân viên y tế, thư viện, thiết bị, văn phòng còn thiếu theo yêu cầu về nghiệp vụ của trường đạt chuẩn. Nhiều trường ĐCQG đang xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp… gây khó cho việc tái công nhận.
Bên cạnh những khó khăn trên, công tác xây dựng trường ĐCQG của huyện cũng như nhiều địa phương trong tỉnh đang phải đối diện với thách thức trước các quy định mới của Bộ GD-ĐT về công nhận trường ĐCQG (tức là nâng chuẩn công nhận lên cao hơn theo Thông tư 13).
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 86% trường học ĐCQG, thời gian tới cả hệ thống chính trị huyện phải quyết liệt vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cùng nhau gỡ khó. Trong đó, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, tài chính, đội ngũ… để các trường đẩy mạnh công tác xây dựng trường ĐCQG. Cần tăng cường hơn nữa việc huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại… cho các trường, nhất là các đơn vị trong lộ trình xây dựng trường ĐCQG.
Kim Trúc
- Ngành Tư pháp Bạc Liêu: Hoạt động đổi mới, hiệu quả
- Mức xử phạt nồng độ cồn trong năm 2025
- Phân cấp UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ ngày 6/1/2025
- Toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đang cất giữ
- Tổ đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri huyện Phước Long và huyện Đông Hải