Giáo dục - Học Đường

Ngành Giáo dục Bạc Liêu: Vượt khó và trưởng thành

Thứ Sáu, 28/04/2023 | 16:40

Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 26 năm tái lập tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên…, đến nay ngành Giáo dục Bạc Liêu đã từng bước trưởng thành, tự tin góp mặt vào tốp đầu cả nước về chất lượng trong công tác “trồng người”.

Đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của cả ngành Giáo dục, sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành, sự đồng hành hỗ trợ của cả xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng tặng hoa tri ân các nhà giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: C.K

Đoàn kết, nỗ lực vượt khó...

Thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”, tập thể ngành Giáo dục tỉnh đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, “chung vai đấu cật” để từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu dạy tốt - học tốt.

Theo số liệu thống kê, vào năm 1976, toàn tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) chỉ có 142 trường học (đa phần được xây cất tạm bợ bằng cây lá địa phương), với quy mô hơn 100.000 học sinh. Đến năm 1997, sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, toàn tỉnh chỉ có 48 trường tiểu học, 48 trường THCS/48 xã - phường - thị trấn, còn trường THPT thì đếm trên đầu ngón tay.

Lúc bấy giờ, ngành Giáo dục đứng trước rất nhiều thách thức như: đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu; trường lớp thì đa phần là cây lá địa phương, trang thiết bị dạy học thiếu thốn trầm trọng… Với những khó khăn, bất cập như thế, cho nên chất lượng giáo dục thời điểm đó rất thấp. Tỷ lệ trẻ em vào nhà trẻ lúc đó chỉ chiếm 1,42%, tỷ lệ trẻ em vào mẫu giáo chiếm 25,78%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi không được đi học cấp 1 chiếm 4,67%...

Trước những khó khăn, thử thách ấy, tập thể ngành Giáo dục đã “đồng cam cộng khổ” để từng bước đưa con chữ về vùng sâu, vùng xa, nâng dần chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí.

Xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên tỉnh và ngành Giáo dục đã có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, đặc biệt là ở địa bàn vùng khó khăn. Nhờ thực hiện quyết liệt, sâu sát, hệ thống trường học từ bậc học mầm non đến THPT không ngừng phát triển, dần dần phủ kín từ thành thị đến nông thôn, xóa trắng địa phương không có trường mẫu giáo.

Nếu như trước đây phòng học chủ yếu chỉ bằng cây lá tạm bợ, thì đến nay toàn tỉnh đã có 288 cơ sở giáo dục, gồm: 84 trường mầm non, 115 trường tiểu học, 59 trường THCS, 3 trường PTCS, 20 trường THPT. Toàn ngành có 5.243 phòng học và phòng bộ môn. Trong đó có 4.436 phòng học với 3.485 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 78,56%; 807 phòng bộ môn với 677 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 83,89%. Tính đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh đã có 217/271 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,44%.

Song song với tập trung đầu tư cơ sở vật chất thì đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… cũng được quan tâm, tạo điều kiện đào tạo đủ chuẩn theo quy định. Cùng với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao trình độ, ngành Giáo dục đã tổ chức hàng loạt các hoạt động, hội thi: giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học, hội thảo nâng cao chất lượng dạy học các môn văn hóa… Qua đó, đã góp phần tích cực giúp giáo viên trau dồi, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, tỷ lệ giáo viên/lớp đã cơ bản được đảm bảo, hầu hết cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định.

Hoạt động của các bé Trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình).

...Và trưởng thành

Với sự nỗ lực của cả tập thể ngành Giáo dục, sự ủng hộ, đồng tình của các cấp, các ngành, sau 26 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Hiện nay, toàn ngành đã có gần 10.000 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 666 cán bộ quản lý giáo dục, 7.504 giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Từ việc tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng chuẩn đội ngũ nhà giáo… đã giúp cho chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng nâng lên. Năm 1997, sau khi tái lập tỉnh, Bạc Liêu chỉ có 39/48 xã - phường - thị trấn và 1/4 huyện - thị xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học. Nhưng chỉ 1 năm sau, 100% xã - phường - thị trấn, 100% huyện - thị xã đã đạt chuẩn và hân hoan đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học của Bộ GD-ĐT. Tiếp tục duy trì, củng cố những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục cùng với các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện công tác PCGD tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2009, Bạc Liêu đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS. Từ đó đến nay, công tác này tiếp tục được duy trì, củng cố và không ngừng nâng tỷ lệ đạt chuẩn.

Bằng nhiều biện pháp: tập trung củng cố, kiện toàn chất lượng lớp đầu cấp, các lớp liền kề và hiệu quả giáo dục lớp cuối cấp, áp dụng các hình thức thi tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển phù hợp với từng địa phương, đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, xếp loại học lực… giúp chất lượng giáo dục được đảm bảo. Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh hoàn thành các bậc tiểu học và THCS đều đạt trên 98%. Số lượng học sinh giỏi đều tăng hằng năm. Bên cạnh chất lượng đại trà thì chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được chú trọng. Trong những năm qua, Bạc Liêu có hàng ngàn học sinh đoạt giải các cuộc thi khu vực và quốc gia. Trong đó nhiều năm liền đứng trong tốp đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT.

Giờ chơi của học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân).

Nhìn lại chặng đường vượt khó để thấy những thành quả ngành Giáo dục đạt được thật đáng tự hào. Đây cũng là nền tảng vững chắc để giáo dục Bạc Liêu có những bước tiến vững chắc hơn, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.