Giáo dục - Học Đường
Ngành Giáo dục: Đổi mới để phát triển
Nhiều năm qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã và đang từng bước đổi mới về mọi mặt nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Điểm nhấn là ngành đã mạnh dạn tiếp cận và tiên phong thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu thế của thời đại 4.0, tạo nên luồng gió mới, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác dạy và học.
Ngành Giáo dục huyện Vĩnh Lợi đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành giáo dục (vnEdu IOC) từ năm học 2022 - 2023. Ảnh: C.K
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trước yêu cầu của tình hình mới, nhiều năm qua, toàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên tham gia Chương trình GDPT 2018. Đến nay, đội ngũ CBQL và giáo viên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm chuẩn hóa đội ngũ, đến nay hầu hết giáo viên, CBQL trường học công lập trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, số giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn khá nhiều. Cả tỉnh có 1.043 nhà giáo, CBQL chưa đạt trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, gồm mầm non: 31 người, tiểu học: 799 người (trong đó có 7 CBQL), THCS: 213 người (trong đó có 2 CBQL).
Ngoài việc cử CBQL, giáo viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GD-ĐT tổ chức; cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị…, ngành Giáo dục còn phối hợp với Trường CBQL Giáo dục TP. Hồ Chí Minh mở 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục cho 228 CBQL đương chức, dự nguồn (cấp học mầm non: 61 người, tiểu học: 91 người, THCS và THPT: 76 người); lớp bồi dưỡng chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT cho 50 CBQL đương chức, dự nguồn…
Hiện toàn ngành có 9.732 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 667 CBQL trường học, 7.528 giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (trong đó có 570 giáo viên hợp đồng). Tỷ lệ giáo viên công lập/lớp của các cấp học cụ thể là mầm non: 1,92 (1.506/786); tiểu học: 1,33 (2.949/2.213); THCS: 1,88 (2.194/1.169); THPT: 1,82 (812/447).
Đi đôi với công tác chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất trường học của ngành cũng tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp với từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới gần 400 phòng học, trên 200 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa phòng học, sơn tường, bàn ghế học sinh, hệ thống điện phòng học…, góp phần rất lớn vào công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của ngành.
Chuyển đổi số - điều kiện tiên quyết để phát triển
Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Trong xu thế hiện nay, ngành Giáo dục xác định chuyển đổi số là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, nên nhiều năm qua đã mạnh dạn tiếp cận và tiên phong thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu thế của thời đại 4.0, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác dạy và học của toàn ngành nói chung, từng trường học nói riêng”.
Theo đó, ngành đã mạnh dạn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành như: Hệ thống quản lý văn bản của tỉnh; phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-Office), Chương trình quản lý nhân sự (ePMIS) của Bộ GD-ĐT; Cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT (trong việc thực hiện báo cáo thống kê giáo dục); Hệ thống thông tin phổ cập giáo dục - chống mù chữ của Bộ GD-ĐT; phần mềm kế toán MISA; phần mềm quản lý tài sản… Bên cạnh đó, các trường học cũng thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng, ứng dụng có hiệu quả nhiều phầm mềm hỗ trợ công tác quản lý, công tác dạy và học trong nhà trường…
Đồng thời, ngành cũng chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động (như thực hiện việc trao đổi thông tin báo cáo nội bộ ngành qua mạng LAN, hộp thư điện tử do Bộ GD-ĐT triển khai) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của ngành nói chung và của từng đơn vị nói riêng. Điển hình trong thực hiện chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ 4.0 là 2 phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành giáo dục (vnEdu IOC).
Bà Đoàn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Với quyết tâm đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay thì việc đưa vào vận hành vnEdu IOC là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành. Từ đó ngành sẽ đổi mới phương thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đồng thời, với những gì công nghệ mang lại thì đó cũng là những tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý trong quá trình phát triển giáo dục”.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục đã và đang cho thấy những bước đi cụ thể, hiệu quả cả về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và yếu tố công nghệ để phát triển toàn diện.
Châu Khánh
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người