Giáo dục - Học Đường
Ngành Giáo dục huyện Phước Long: Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non
Bước vào năm học 2022 - 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục huyện Phước Long xác định là nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai thí điểm Chương trình GDMN mới”.
Với chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”, toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Tổ chức bữa ăn an toàn cho trẻ tại Trường mầm non Sơn Ca (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long).
Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ
Với chủ đề trên, toàn ngành Giáo dục Phước Long đang tiếp tục thực hiện Kế hoạch 20 của Phòng GD-ĐT huyện về việc thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN” nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.
Bà Nguyễn Thị Nhãn - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), cho biết: ‘‘Năm học này, bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao chất lượng GDMN thì nhà trường còn thực hiện nghiêm túc Thông tư 45 ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở GDMN; tiếp tục đưa các nội dung chuyên đề ‘‘Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ” vào nhiệm vụ thường xuyên của cơ sở GDMN; thực hiện việc giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở GDMN theo quy định tại Thông tư 06 ngày 11/5/2022 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh - sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em”.
Theo đó, trường sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo hành trẻ em và trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa hành vi bạo hành trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời thực hiện các hoạt động trong nhà trường đảm bảo quyền trẻ em nhằm ngăn ngừa vi phạm và xâm phạm quyền trẻ em như: đảm bảo 100% không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ; kịp thời phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ và có biện pháp khắc phục; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân để xảy ra mất an toàn đối với trẻ.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống bạo lực học đường, tổ chức ăn bán trú, giáo dục an toàn giao thông, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thị Nhãn cho biết thêm: “Chỉ tiêu phấn đấu của trường là đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% cho trẻ trong suốt thời gian ở trường. Cuối năm trường được UBND huyện cấp giấy chứng nhận “Trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích”.
Các bé Trường mầm non thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) với những trải nghiệm thực tế theo phương pháp giáo dục “Go Stem”. Ảnh: C.K
Đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến
Ghi nhận tại Trường mầm non thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) cho thấy, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nhiều năm qua luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương. Theo đó, trong năm học 2022 - 2023, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chủ đề năm học thì nhà trường còn gắn việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” với nhiều hoạt động thiết thực. Bà Lê Thị Cẩm Tú - Hiệu trưởng trường, cho biết: “Năm học này, trường chú trọng vào các chuyên đề như “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Tiền đề cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1”. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Theo đó, trường mạnh dạn ứng dụng phương pháp “Go Stem” vào trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo tìm hiểu, phương pháp giáo dục Stem cho trẻ mầm non có thể giúp trẻ gắn kết các nguồn kiến thức được tiếp thu theo rất nhiều cách khác nhau. Cũng từ đó, trẻ có thể học hỏi, nghiên cứu và tìm tòi ngay từ khi còn nhỏ. Hàng tháng, trường thực hiện xây dựng các video tuyên truyền cho phụ huynh về các phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh. Đây cũng là phong trào thi đua do Công đoàn trường phát động. Cuối năm học, video nào nhận được nhiều lượt chia sẻ, nhiều lượt thích sẽ được khen thưởng.
Với những hoạt động sôi nổi, thiết thực ở cấp học mầm non, đặc biệt là các hoạt động hướng đến an toàn cho trẻ hay ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến sẽ là điểm nhấn để ngành Giáo dục huyện Phước Long tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ trong năm học này.
Châu Khánh
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn