Giáo dục - Học Đường
Ngành Giáo dục: Tích cực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Có thể nói, bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Học sinh - một trong những thành phần cần tích cực tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò không nhỏ của ngành Giáo dục. Xác định được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai, quán triệt tinh thần Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên (HS-SV) và các bậc phụ huynh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để các em HS-SV đều tham gia BHYT. Cụ thể, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HS-SV, cha mẹ HS-SV về chính sách, pháp luật BHYT và vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HS-SV thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp hay thông qua các cuộc họp phụ huynh định kỳ. Cũng như kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về công tác BHYT. Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai Nghị định 105 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; Thông tư liên tịch 41 của Liên bộ Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT và các quy định về quản lý tài chính hiện hành. Xây dựng và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học của các khối thi đua ở các trường học. Trong đó, có lồng ghép nội dung tiêu chí kết quả thực hiện BHYT học sinh của từng khối.
Nhìn chung, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHYT cho HS-SV gắn với các hoạt động “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Ngày Gia đình Việt Nam” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo đó, các đơn vị, trường học đã tổ chức tuyên truyền trên 4.200 cuộc, với hơn 260.500 lượt người tham dự.
Băng-rôn tuyên truyền tham gia BHYT trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NGƯỜI THAM GIA BHYT TĂNG
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, HS-SV và các bậc phụ huynh về chế độ, chính sách BHYT, tạo sự chuyển biến trong hành động. Qua đó, số người tham gia BHYT hằng năm tăng và năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2020 người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 70,09%, thì đến năm 2021 đạt tỷ lệ 92,03%, năm 2022 đạt tỷ lệ 96,76% và cuối năm 2023 đạt tỷ lệ trên 98%.
Song, cùng với những kết quả đạt được, thì công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Đó là nhận thức của một bộ phận phụ huynh học sinh về BHYT chưa cao, khi tham gia còn tính toán thiệt hơn đối với quyền lợi con em của mình.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu không còn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nên số hộ dân thoát nghèo tăng, người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT từ Nhà nước nhưng lại không tự giác tham gia BHYT hộ gia đình. Công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh tham gia BHYT chủ yếu từ phía nhà trường, nhưng công tác khám chữa bệnh (KCB) cho học sinh là ở cơ quan y tế nên chưa thuyết phục được người dân tham gia đóng BHYT một cách triệt để. Nhân viên của các tổ chức dịch vụ thu BHYT chưa chuyên nghiệp, kiến thức, kinh nghiệm về BHYT chưa sâu rộng nên việc tuyên truyền, khai thác người tham gia BHYT hộ gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc KCB tại một số nơi còn hạn chế. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ y tế nơi KCB ban đầu còn yếu, chưa tạo được lòng tin cho người tham gia BHYT nên đa số phụ huynh muốn KCB cho con em mình ở tuyến tỉnh. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động y tế trường học là các trường có đủ điều kiện về nhân lực để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa nhiều. Số trường có cán bộ làm công tác y tế trường học có trình độ trung cấp y tế trong toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 36% (72/200 trường phổ thông). Vì vậy, nhà trường muốn được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu phải ký hợp đồng với các cơ sở y tế…
LÂM THI
Tăng cường xã hội hóa công tác BHYT giúp HS-SV có hoàn cảnh khó khăn
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến BHYT cho HS-SV, Sở GD-ĐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHYT. Trong đó, tăng cường công tác xã hội hóa về công tác này để giúp một số HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT, nhất là những học sinh dự thi các giải thể thao học sinh.
Đối với Bảo hiểm xã hội, phối hợp cùng cơ quan y tế tổ chức, thống nhất lại việc KCB khi dùng thẻ BHYT sẽ được khám và điều trị trong bất kỳ ngày nào, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết... nhằm nâng cao vai trò và tính hiệu quả của thẻ BHYT, tạo động lực và niềm tin kích thích, thu hút số lượng người tham gia BHYT. Cần nghiên cứu cải thiện định mức chi trả, hỗ trợ khi điều trị có sử dụng thẻ BHYT và tăng cường cải thiện tình trạng phục vụ đối với người bệnh có sử dụng thẻ BHYT. Cử cán bộ chuyên trách về BHYT trực tiếp đến các đơn vị trường học để phối hợp với nhà trường cùng tuyên truyền, vận động các em học sinh tham gia BHYT. Chú trọng đầu tư nguồn kinh phí cho công tác y tế trường học, tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế trong việc KCB. Ban lãnh đạo các cơ sở KCB cần quan tâm đến chất lượng KCB và thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với người tham gia BHYT. Quan tâm mở các lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế trường học. Có các chế độ, chính sách cho việc vận động sinh viên trường y về các trường học làm công tác y tế trường học theo quy định của cán bộ y tế trường học.
Đối với các cơ sở giáo dục, cần tích cực tham gia công tác tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHYT đến HS-SV và cha mẹ HS-SV. Đồng thời, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động xã hội hóa về công tác này để giúp một số HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT.
Về phía ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 38, Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tăng cường sự chỉ đạo của đảng ủy các cấp, chính quyền địa phương đối với công tác BHYT cho HS-SV. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, giáo viên, HS-SV tích cực tham gia thực hiện BHYT. Tăng cường công tác giáo dục sức khỏe cho HS-SV, phổ biến chính sách BHYT đến tất cả thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em HS-SV một cách cụ thể để mọi người hiểu được mục tiêu, ý nghĩa chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước đối với mọi người dân nói chung và HS-SV nói riêng.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh