Giáo dục - Học Đường
Ngành luật có thật sự khan hiếm nhân sự?
Một mùa tuyển sinh đại học lại sắp đến, khi học sinh THPT, đặc biệt là các bạn khối lớp 12 đang tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, nguyện vọng của bản thân thì các trường đại học trong cả nước cũng đang đua nhau thực hiện nhiều kế hoạch, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút sinh viên quan tâm, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường của mình.
Trong tổng nhu cầu nhân lực từ năm 2020 đến giai đoạn 2025-2030, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33% trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo. Thực tế, nhân lực ngành Luật tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đang thiếu trầm trọng. Theo các chuyên gia, đây là nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và có tỉ lệ việc làm sau khi ra trường luôn ở mức cao.
Học Luật chỉ có thể làm việc ở cơ quan nhà nước?
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, học Luật chỉ có thể làm việc ở các cơ quan như UBND, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự… Nhưng trong xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, ngành Luật ngày càng phát triển, cơ hội nghề nghiệp không chỉ ở cơ quan hành chính, tư pháp mà rất nhiều doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh đều cần nhân sự ngành Luật. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có rất nhiều sự lựa chọn công việc mà mình yêu thích.
Hình ảnh nghề luật về chức danh tư pháp tại phiên Tòa (ảnh tapchitoaan.vn)
Chú trọng đầu vào, đầu ra nhằm khẳng định vị thế của ngành
Trong bối cảnh nhân lực ngành Luật khan hiếm, nhiều trường đại học đã mở ngành, tuyển sinh đào tạo ngành Luật. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đầu vào đối với ngành Luật tại một số trường đại học ngày nay rất dễ dàng, chưa thật sự chú trọng vào chất lượng sinh viên đã gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của ngành trên phương diện tổng quan chung. Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng chung đối với sinh viên ngành luật hiện nay thì việc tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ đơn thuần cần phải thay đổi nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như đầu ra trong tương lai đối với ngành Luật.
Tóm lại, dù học ở ngành nào đi chăng nữa, bản thân người học cần phải tự tích lũy, trao dồi thêm nhiều kĩ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn ở ghế nhà trường nhằm đảm bảo cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Dù ngành luật còn nhiều lợi thế cũng như đang rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, tuy nhiên nếu không chú trọng đầu vào cũng như rèn luyện thêm kỹ năng của bản thân thì cơ hội nghề nghiệp rộng mở vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc.
Ngô Quang Vinh