Giáo dục - Học Đường
Nghị quyết 29 (Khóa XI): Sức bật cho giáo dục Bạc Liêu bay cao
>> Bài 2: Chuyển biến từ nhận thức
Bài cuối: Những mùa trái ngọt
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hơn 10 năm triển khai Nghị quyết (NQ) 29, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi, cũng không ít những khó khăn, thách thức đan xen. Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã đạt được những kết quả rất tích cực. Từ đó, “những mùa trái ngọt” liên tiếp trổ hoa, ươm mầm cho nhiều thế hệ học sinh viết tiếp ước mơ.
Đào tạo nghề cho lao động tại Trung tâm HNDN-GDTX tỉnh.
Bay cao những ước mơ
Với sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục, đến năm 2015, Bạc Liêu đã được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành mục tiêu này. Đến năm 2022, 100% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Về chất, giáo dục tiểu học đã đổi mới hoạt động dạy và học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Giáo dục trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy được tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn…
Đặc biệt, nhiều năm qua, Bạc Liêu luôn có mặt trong tốp những địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp luôn ở mức cao... Đây thật sự là tín hiệu rất đáng mừng vì không chỉ phản ánh đúng thực chất quá trình dạy và học của tỉnh mà còn tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho các trường cao đẳng, đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Bên cạnh giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới công tác tuyển sinh, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như nâng cao chuẩn đầu ra theo hướng tăng thời lượng thực hành, chủ động gắn kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Việc mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề… từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho nhiều đối tượng khác nhau, cũng là giải pháp cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi. Từ đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đảm bảo hài hòa các phẩm chất về đức, trí, thể, mỹ. Với tay nghề vững chắc và lòng tâm huyết với nghề, đội ngũ nhà giáo đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh, giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp, hợp tác và ngày càng tự tin hơn trong học tập, rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng giao tiếp...”
Trường THPT Bạc Liêu đạt chuẩn quốc gia năm 2013. Ảnh: C.K
Xây chắc nền móng
Với sự quan tâm chăm lo đặc biệt cho nền giáo dục, dù hiện vẫn còn khó khăn nhưng nhìn chung Bạc Liêu đã tạo được nền móng vững chắc cả về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ nhà giáo… để góp phần “chắp cánh” cho nền giáo dục tỉnh nhà bay cao hơn, xa hơn trong tương lai.
Dù vậy, nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện NQ 29 với nhiều kết quả đáng trân trọng nhưng nhìn chung nền giáo dục tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những biến đổi sâu sắc đến việc dạy và học của cả thế giới. Thấu hiểu và chia sẻ với ngành Giáo dục, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, trọng tâm là ngành Giáo dục cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội nhằm tạo bước đột phá, làm chuyển biến mạnh mẽ, tích cực yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên tỉnh Bạc Liêu định hướng đến năm 2030; Tăng cường công tác chính trị tư tưởng đối với nhà giáo và học sinh nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thật sự gương mẫu, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thực hiện lồng ghép Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”…
Những chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng là những giải pháp cần thiết để Bạc Liêu hòa được vào xu thế phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam. Và thiết nghĩ, bên cạnh những việc làm cụ thể, trước mắt và cả lâu dài thì Bạc Liêu cũng cần quan tâm cả việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để có một nền giáo dục đào tạo thực chất.
Châu Khánh
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, PGS-TS Phạm Viết Vượng (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ việc dự báo giáo dục 5 năm, 10 năm, đến việc tổ chức đào tạo giáo viên có chất lượng ở các trường đại học sư phạm, cũng như tuyển dụng giáo viên công khai, minh bạch, cần có chế độ tiền lương, ưu đãi cho giáo viên làm việc và cống hiến.
Về xây dựng trường sư phạm và đội ngũ nhà giáo trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, PGS- TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đề nghị, nên tiếp tục cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa sư phạm.
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người