Giáo dục - Học Đường
Nhìn lại một năm thành công của giáo dục phổ thông
Sở GD-ĐT vừa tổ chức tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong năm học qua, GDPT đã gặt hái được nhiều thành công khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đạt chuẩn… Từ đó, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ ổn định và nâng cao so với các năm học trước.
Tặng giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT cho các đơn vị trường THCS, THPT vì có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, năm học 2023 - 2024.
Kiện toàn cơ sở vật chất
Theo thống kê, chỉ riêng năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục đã được đầu tư xây dựng, bổ sung 78 phòng học (trong đó, cấp THCS là 60 phòng, cấp THPT: 18 phòng), 76 phòng học bộ môn (cấp THCS: 68 phòng, cấp THPT: 8 phòng), 1 phòng thư viện THPT, 22 nhà vệ sinh với tổng kinh phí trên 131 tỷ đồng. Ngành cũng thực hiện cải tạo, sửa chữa 161 phòng học, 3 phòng học bộ môn, 32 nhà vệ sinh… với số tiền trên 15 tỷ đồng.
Với sự quan tâm về cơ sở vật chất của các cấp, số trường đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của bậc GDPT luôn được giữ ổn định và tăng trong năm học qua. Cụ thể, cấp THCS có 45 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 71,43%); trong đó, có 23 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cấp học này cũng có 56 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Cấp THPT có 14 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 70%) và 15 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, hiện ngành Giáo dục đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án xây dựng các công trình đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai thực hiện đầu tư các dự án: Xây dựng Trường THPT Phan Ngọc Hiển (tổng mức đầu tư trên 72 tỷ đồng); Xây dựng Trường THPT Chuyên - cơ sở 2, giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư trên 39 tỷ đồng); Xây dựng mới Trung tâm GDTX-HN tỉnh (tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng); Xây dựng mới Trường THPT Gành Hào (tổng mức đầu tư gần 96 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có Dự án Sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường THPT (tổng giá trị gần 25 tỷ đồng).
Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn, ngành Giáo dục nói chung, bậc học GDPT nói riêng còn được quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu thực tế của các đơn vị. Theo đó, trong năm học 2023 - 2024, đã đầu tư trên 105 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp cho các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Thí sinh Bạc Liêu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: C.K
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ổn định chất lượng giáo dục đại trà, trong năm học qua, toàn ngành đã chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học theo đúng quy định. Tham gia và tổ chức thành công, đạt kết quả khá cao các kỳ thi, hội thi như: kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia… Đồng thời, tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục trung học, GDTX. Tập huấn tăng cường năng lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Năm học 2023 - 2024, cấp THCS đã huy động 48.242 học sinh với 1.216 lớp (tăng 2.821 học sinh và 47 lớp so với năm học trước), cấp THPT có 19.373 học sinh với 466 lớp (tăng 916 học sinh và 19 lớp). Điểm nhấn của GDPT trong năm học qua là tỷ lệ tốt nghiệp THPT tiếp tục tăng. Theo đó, toàn tỉnh có 6.018/6.033 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,75% (tăng 0,03% so với năm 2023). Đây cũng năm thứ 2 liên tiếp tỷ lệ đậu tốt nghiệp của Bạc Liêu đi lên. Trước đó, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh đạt 99,72% (tương đương 5.973 thí sinh); tăng 0,05% so với năm 2022.
Một điểm sáng nữa là theo công bố điểm trung bình thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, năm nay điểm trung bình của học sinh Bạc Liêu đạt 6,867 điểm, tăng 0,225 điểm so với năm 2023, xếp thứ 18 trong các địa phương trên cả nước (năm 2023 xếp thứ 17). Năm 2024 cũng là năm ghi nhận điểm trung bình thi của Bạc Liêu tăng liên tiếp 2 năm. Trước đó, với 6,642 điểm của năm 2023 thì đã tăng 0,084 điểm so với điểm trung bình thi tốt nghiệp năm 2022.
“Năm học 2023 - 2024 dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp quản lý, đội ngũ nhà giáo nên GDPT vẫn giữ ổn định về chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn. Với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn ngành Giáo dục, tin rằng trong năm học mới 2024 - 2025, GDPT nói riêng, toàn ngành Giáo dục nói chung sẽ tiếp tục gặt hái thêm những thành công, góp phần đưa chất lượng giáo dục của Bạc Liêu ngày càng đi lên”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết.
Với những thành công của năm học qua, năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối với GDPT, GDTX là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tăng cường nền nếp, kỷ cương và hiệu quả, chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng đối với học sinh…
Châu Khánh
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh