Giáo dục - Học Đường
Những nhà giáo đặt nền móng cho giáo dục Bạc Liêu sau năm 1975
Sau ngày thống nhất đất nước, giữa muôn vàn khó khăn của thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, nhiều trí thức trẻ từ miền Bắc đã không ngại ngần lên đường vào Nam, mang theo tri thức và lòng nhiệt huyết để góp phần dựng xây quê hương mới. Tại Bạc Liêu, hành trình khởi đầu cho nền giáo dục địa phương đã gắn bó với những cái tên tiêu biểu - những người thầy, người cô đã âm thầm gieo hạt mầm tri thức suốt hàng chục năm qua.
Lan tỏa ngọn lửa yêu nghề
Thầy Đinh Văn Tài - cựu giáo viên Toán của Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (gọi tắt là Trường Chuyên) - là một trong những “cây đại thụ” của ngành Giáo dục địa phương. Tốt nghiệp Trường đại học Vinh, chàng trai xứ Nghệ ấy đã tình nguyện vào Nam công tác, mang theo lý tưởng cao đẹp của lớp trí thức trẻ thời kỳ hậu chiến. Từ Trường Văn hóa Công nông 1, rồi qua cao đẳng Sư phạm, Công nông 3 và sau này là Trường Chuyên, dấu chân của thầy trải dài qua nhiều thế hệ học sinh, nhiều chặng đường phát triển giáo dục của tỉnh.
Thầy Đinh Văn Tài (cựu giáo viên Toán, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu).
Những ngày còn công tác, trong căn phòng nhỏ ngập ánh sáng của Trường Chuyên, thầy Tài vui vẻ kể lại từng lớp học trò cũ, với những cái tên mà mỗi người đều gắn liền với một ấn tượng khó phai: người “học quyết liệt”, người có “trí nhớ sâu sắc”, người “tập trung cao”… Tất cả làm nên bức tranh đa sắc về những thế hệ học sinh giỏi đã được thầy tận tình dìu dắt. Có hơn 20 học trò của thầy đã là tiến sĩ, thạc sĩ, nghiên cứu sinh tại nước ngoài; nhiều người khác là cán bộ, lãnh đạo tại các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh. Trong những năm tháng gieo chữ, thầy đã phát hiện, bồi dưỡng biết bao học sinh năng khiếu. Năm nào học trò của thầy cũng giành giải thưởng cao ở các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, khu vực và quốc gia.
Với thầy, người thầy thời nào cũng cần giữ vững bản ngã, vượt qua chính mình và lan tỏa ngọn lửa yêu nghề. “Chỉ có tình yêu nghề thật sự mới giữ chân người giáo viên ở lại giữa bao thăng trầm của cuộc sống”, thầy nói. Và có lẽ cũng chính tình yêu ấy đã giúp thầy vượt qua bao gian khó của thời kỳ hậu chiến, vững vàng cùng đồng nghiệp đặt “những viên gạch đầu tiên” xây nền móng vững chãi cho giáo dục Bạc Liêu sau này. Dầu đã rời xa bục giảng, trở về với cuộc sống thường nhật, nhưng tâm nguyện lớn nhất của thầy là làm sao truyền lửa nghề, tâm huyết của thế hệ đi trước cho lớp trẻ kế thừa.
Dành trọn đời cống hiến cho giáo dục ở bạc liêu
Không chỉ thầy Tài, hành trình cống hiến thầm lặng của các nhà giáo từ vùng miền của Tổ quốc còn hiện rõ trong những câu chuyện đầy xúc động của thầy Dương Hoài Ngọc, cô Đinh Thị Lộc, thầy Trịnh Văn Trượng…
Năm 1977, thầy Dương Hoài Ngọc (nay là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh) - chàng trai trẻ đến từ tỉnh Long An - về công tác tại Trường bổ túc văn hóa Công nông 2 của tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau). Những ngày đầu xa quê lập nghiệp là chuỗi ngày đối mặt với thiếu thốn trăm bề: cơ sở vật chất nghèo nàn, cuộc sống giáo viên vất vả… Nhưng vượt lên tất cả, thầy vẫn kiên trì bám lớp, bám trường. Dạy học tại nhiều cơ sở khác nhau như: trường bổ túc văn hóa cán bộ, trung tâm đại học tại chức, thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn học lại từ chính học trò của mình - những người lớn tuổi hơn cả thầy, giàu kinh nghiệm sống và thực tiễn.
Thầy Dương Hoài Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh). Ảnh: Đ.K.C
Một hành trình đáng nhớ khác thuộc về cô Đinh Thị Lộc (cựu giáo viên Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm, TP. Bạc Liêu) - cô giáo trẻ từ tỉnh Ninh Bình, một mình vào Nam và chọn Bạc Liêu làm quê hương thứ hai. Những ngày đầu, cô tham gia phong trào xóa mù chữ ở Thới Bình (tỉnh Cà Mau), nơi lớp học tập hợp cả người lớn, trẻ nhỏ, không phân biệt tuổi tác, thành phần. Mỗi tiếng cười vang lên từ lớp học nhỏ ấy là động lực để cô tiếp tục bám trường, bám lớp. Năm 1981, cô về nhận công tác tại Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu. Gần trọn đời cống hiến cho nền giáo dục, cô để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là trong năm 2013 có đến 39 học sinh đoạt giải vòng tỉnh, trong đó có 4 giải Nhất. Nhưng với cô, “giải thưởng lớn nhất chính là những thế hệ học trò vừa có đạo đức, vừa có tri thức”.
Tương tự, thầy Trịnh Văn Trượng - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) - cũng mang theo khát vọng vào Nam kiến thiết sau khi rời quê hương Hà Nam. Từng công tác tại U Minh (tỉnh Cà Mau) trong 6 năm, rồi dần về lại trung tâm TP. Bạc Liêu, thầy góp phần hình thành và phát triển các trường THCS trọng điểm của tỉnh như: THCS Trần Huỳnh, THCS Phường 1… Trong vai trò hiệu trưởng từ năm 2010 đến nghỉ hưu, thầy đã xây dựng Trường THCS Võ Thị Sáu trở thành lá cờ đầu của khối THCS toàn tỉnh. Học sinh giỏi của trường liên tục đạt thành tích cao ở cấp thành phố, cấp tỉnh và quốc gia. Dù từng được tôn vinh với danh hiệu “Viên phấn vàng”, thầy vẫn giữ tinh thần khiêm tốn, không ngừng học hỏi và đổi mới phương pháp giảng dạy để theo kịp yêu cầu thời đại.
Có thể nói, những người thầy, người cô đến từ muôn phương đã góp phần quan trọng tạo nên nền móng vững chắc cho giáo dục Bạc Liêu sau năm 1975. Không ồn ào, không phô trương, hành trình cống hiến của các thầy, cô ấy là biểu tượng của lòng kiên định, sự tận tụy và trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Kim Trúc
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế