Giáo dục - Học Đường
Những tín hiệu vui trước thềm năm học mới
Năm học mới 2023 - 2024 sắp bắt đầu, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những tín hiệu vui về việc giữ nguyên mức thu học phí, tiếp sức học sinh khó khăn, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học… đã vẽ nên bức tranh đầy lạc quan, phấn khởi cho phụ huynh, học sinh, những người công tác trong ngành Giáo dục trước thềm năm học mới.
Giáo viên mầm non sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi lên 10%.
Giảm gánh lo cho phụ huynh
Chị Trần Ánh T. (Phường 8, TP. Bạc Liêu) hiện là công nhân tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương vừa tranh thủ nghỉ phép để về quê chuẩn bị cho 2 đứa con vào lớp 4 và lớp 8. Chị chia sẻ: “Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tiếp đến là suy thoái kinh tế, doanh nghiệp thiếu đơn hàng khiến việc làm, thu nhập của vợ chồng tôi giảm đáng kể. Trong tháng 7, khi nghe chị em công nhân râm ran thông tin ngoài bậc tiểu học, các bậc học còn lại đều tăng học phí khá mạnh, thậm chí có thể cao gấp 2 lần trước đây khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Vì nếu học phí tăng mạnh sẽ gây áp lực rất lớn cho phụ huynh trước thềm năm học mới”.
Cùng nỗi trăn trở ấy, anh Nguyễn Anh D. (TX. Giá Rai) bày tỏ: “Nhiều năm nay tỉnh không tăng học phí ở các bậc học, với mức thu như cũ là rất phù hợp. Hơn nữa trong năm học 2022 - 2023, tỉnh còn giảm 50% học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch. Nếu như trong năm học này học phí được giữ nguyên, Nhà nước xem xét thêm việc miễn giảm học phí cho học sinh có cha mẹ làm công nhân xa quê đi ở trọ thì sẽ giảm nguy cơ học sinh phải bỏ học giữa chừng”.
Thấu hiểu những gánh nặng của phụ huynh, Chính phủ đã chỉ đạo giữ nguyên mức thu học phí năm học mới như năm học 2022 - 2023. Điều này giúp phụ huynh giải tỏa được nỗi lo về tài chính trong giai đoạn suy thoái kinh tế vẫn đang tiếp diễn.
Không chỉ vậy, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ 3 phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Theo đó, sách giáo khoa sẽ được mua và học sinh mượn qua các thư viện trường học. Cụ thể, với mức giá bình quân 200.000 đồng/bộ sách, Nhà nước hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách, kinh phí cần 2.138 tỷ đồng (phương án 1); Nhà nước hỗ trợ 50% số học sinh chưa hưởng chính sách, kinh phí cần hỗ trợ hơn 1.572 tỷ đồng (phương án 2); ngân sách Nhà nước hỗ trợ số lượng học sinh là con em hộ cận nghèo, kinh phí cần 107 tỷ đồng. Nếu 1 trong 3 phương án được áp dụng trong năm học mới thì nhiều gia đình sẽ tiết kiệm được chi phí và bài toán lãng phí sách giáo khoa cũng được tháo gỡ.
Thời điểm này, các cấp, các ngành, toàn xã hội cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tiếp sức, trợ lực cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới thông qua các suất học bổng, bảo hiểm y tế, xe đạp, sách giáo khoa, đồ dùng học tập… Những căn nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ… cũng kịp thời được bàn giao để học sinh, các gia đình nghèo thêm động lực để khởi động năm học mới.
Mua sắm chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Đ.K.C
An lòng thầy cô giáo
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục trên khắp cả nước thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến trước thềm năm học mới. Theo đó, đã có hơn 6.200 ý kiến được tiếp nhận, trong đó có hơn 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học. Với các câu hỏi chưa được trả lời hết, Bộ trưởng đã yêu cầu các vụ, cục tiếp tục phân tích và trả lời theo các chủ đề, quan trọng hơn là lắng nghe ý kiến để điều chỉnh chính sách. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể, nhưng càng khó khăn càng cần đồng tâm hiệp lực.
Bộ trưởng thông tin thêm, hiện nay Chính phủ đã giao các bộ, ngành cân nhắc phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất khả năng tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học. Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức trong việc Chính phủ điều chỉnh luật bảo hiểm xã hội, đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 vẫn đảm bảo chế độ, chính sách.
Không chỉ vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh với bộ môn tích hợp ở bậc THCS nhằm tạo thuận lợi cho giáo viên, các nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy, không gây xáo trộn trong đội ngũ.
Chưa dừng lại ở đó, các thầy cô giáo vừa đón nhận thêm tin vui về việc Chính phủ đồng ý bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức giáo viên.
Những tín hiệu vui trước thềm năm học mới chính là niềm tin, động lực để ngành Giáo dục và toàn xã hội khởi đầu một năm học mới với niềm tin mới, thắng lợi mới!
Kim Trúc
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người