Giáo dục - Học Đường

Sách giáo khoa lớp 1 ngày ấy - bây giờ

Thứ Hai, 19/10/2020 | 16:57

Sau hơn một tháng chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới được triển khai “phủ sóng” toàn quốc thì sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) - một trong 3 bộ sách mà Bạc Liêu chọn sử dụng trong năm học này, được dư luận cho là chứa nhiều “sạn” và nhận nhiều phản hồi tiêu cực. Càng băn khoăn về SGK lớp 1 bây giờ, nhiều phụ huynh, nhất là thế hệ 8X trở về trước lại càng hoài cổ, tiếc nuối về những bài học vỡ lòng của ngày xưa vẫn còn in sâu trong tiềm thức biết bao thế hệ Việt.

Cô và trò lớp 1/1 Trường tiểu học Trần Phú (Phường 7, TP. Bạc Liêu) rèn chữ trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh: Đ.K.C

Thương những bài học vỡ lòng ngày ấy

Chị Trần Ngọc Linh (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) có con đang học chương trình SGK lớp 1, than thở: “Dù bộ sách Chân trời sáng tạo mà con tôi đang học không nhận nhiều phản hồi tiêu cực như bộ Cánh diều, nhưng với cách dạy đọc, ghép vần mới như hiện nay thì phụ huynh chúng tôi phải chào thua. Muốn dạy được con chắc phải theo con đến trường để học! Đó là còn chưa kể nội dung trong từng bài học quá nặng, nhiều câu văn, đoạn thơ thiếu vần vè, không có sự trong sáng, đáng yêu cần có dành cho lớp vỡ lòng. Ngẫm lại SGK, những bài học vỡ lòng ngày xưa, tôi cảm thấy tiếc nhớ, ước gì con em mình cũng được học những bài học gần gũi, ý nghĩa ấy…”.

Không riêng gì chị Ngọc Linh, mà nhiều phụ huynh có con em đang học cuốn Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều bắt đầu râm ran so sánh cuốn này với những cuốn SGK mà họ được học mấy chục năm về trước trong những buổi cà phê với bạn bè; trên các nhóm chat Zalo, Facebook. Tâm lý nhớ nhung, hoài niệm về những bài học đã xa khiến họ liên tục chia sẻ những ảnh chụp về những sách Tập đọc, Tiếng Việt cũ của Nhà xuất bản Giáo dục, trong đó là những hình ảnh minh họa, những đoạn văn, câu thơ trong sáng, đáng yêu và hồn nhiên gắn liền với tuổi học trò.

Bà Nguyễn Ngọc Lan (khóm 1, phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Nhìn đám cháu nhỏ học đánh vần, ba mẹ tụi nó thì cau mặt nhíu mày để “vật lộn” từng bài học với con mà tôi thấy lo lắng quá. Vẫn biết cải cách để tốt hơn, nhưng có ai dám chắc qua những bài học ấy, trong lòng trẻ còn đọng lại những gì? Riêng tôi vẫn rất tâm đắc với những quyển SGK xưa, bởi dù đã mấy chục năm trôi qua, tôi và nhiều thế hệ tiếp sau vẫn nằm lòng nhiều bài thơ thiếu nhi, một số đoạn văn trong SGK ngày ấy, đặc biệt là những bài “Mèo con đi học”, “Cái trống trường em”, “Trường em”, “Đàn gà mới nở”…”.

Băn khoăn những hạt “sạn” bây giờ

Chính dấu ấn khó phai của những bài học vỡ lòng trong SGK ngày ấy, nên bây giờ khi tiếp cận với cái mới - mà lứa tuổi đầu tiên được tiếp cận lại rất “nhạy cảm” nên không thể tránh khỏi việc SGK cũ và mới bị đem lên bàn cân để so sánh. Và dư luận xã hội đã có nhiều phản hồi tiêu cực, thậm chí là chỉ trích cuốn Tiếng Việt 1 của bộ SGK Cánh diều vì có quá nhiều “sạn”.

Cụ thể, nhiều phụ huynh, giáo viên của các trường cho rằng, cuốn SGK Tiếng Việt 1 này thiết kế các bài học quá sức học sinh, dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ gây khó hiểu, khiến học sinh lớp 1 khó mà tiếp cận như: “lồ ô”, “gà nhí”, “gà nhép”, “thở hí hóp”, “nhá”, “chả”… Bên cạnh đó còn xuất hiện một số từ nghe rất lạ và khó hiểu: Thỏ la cà nhá cỏ, nhá dưa…

Bên cạnh việc phàn nàn về các bài học, nội dung chương trình, những sai sót về mặt kỹ thuật, nhiều phụ huynh còn tỏ ra không đồng tình trước những bài học đi xa tư duy của con trẻ như: truyện “Chuột út”, “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Ve và gà”… Thậm chí nhiều người còn cho rằng một số bài học dạy trẻ tính khôn lỏi, lười nhác, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Không chỉ vậy, theo nhiều phụ huynh, có những bài học có nội dung khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt giáo dục, nên phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi kèm cặp thêm cho con tại nhà. Đó là chưa kể, kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam phong phú như thế nhưng tại sao tác giả viết sách không ưu tiên sử dụng, lại thích “sính ngoại”, phỏng theo các câu chuyện ngụ ngôn nước ngoài đòi hỏi phải tư duy nhiều - không phù hợp đối với học sinh lớp 1.

Trong khi chờ các tác giả của bộ sách Cánh diều tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp thì thầy trò các trường, đặc biệt là giáo viên đang linh hoạt điều chỉnh một số nội dung, câu từ, những bài học giáo dục đằng sau những câu chuyện… cho phù hợp với thực tế địa phương và tâm lý của trẻ nhỏ. Chỉ mong là, những sai sót và những hạt “sạn” không đáng có ấy sẽ không tiếp diễn trong những bộ SGK các khối lớp cao hơn của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kim Trúc 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.