Giáo dục - Học Đường
Sáp nhập Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Mở ra nhiều cơ hội mới
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ký Quyết định số 275 về việc sáp nhập Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu (trực thuộc Sở VH-TT&DL) vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu (CĐKTKTBL). Việc sáp nhập này không chỉ giảm thiểu sự cồng kềnh cho bộ máy quản lý, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người học khi Trường CĐKTKTBL thành lập thêm 2 khoa mới là Khoa VH-NT, Khoa Du lịch (DL) và dịch vụ.
Lễ khai giảng các lớp trung cấp thanh nhạc, sân khấu, thư viện, du lịch
tại Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu (cũ). Ảnh: Đ.K.C
Chủ trương sáp nhập trường nhằm mục đích chính là duy trì, phát triển lĩnh vực VH- NT trong công tác đào tạo của tỉnh nhà. Bởi lẽ, nếu không kịp thời sáp nhập thì theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), một là sáp nhập, hai là giải thể. Trước tình hình đó, Trường CĐKTKTBL đã đề xuất sáp nhập để VH-NT có cơ hội phát triển. Khi nhập về, trường tiếp tục đề xuất trong đề án là thành lập Khoa VH-NT nhằm giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Trường trung cấp VH-NT cũ. Theo đó, một số ngành nghề đào tạo trước đây được tiếp tục duy trì, ổn định.
Đồng thời, hình thành thêm một khoa mới là Khoa DL và dịch vụ nhằm mục tiêu tổ chức nhanh quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về đội ngũ nhân lực cho phát triển DL của tỉnh nhà. Theo đó, khoa này hiện nay đang cấu trúc lại là trưng dụng một số cán bộ quản lý, giáo viên thuộc chuyên ngành Văn hóa DL của trường cũ và một bộ phận giảng viên của Khoa Kế toán - Quản trị (chủ yếu là lực lượng quản trị doanh nghiệp) thuộc Trường CĐKTKTBL, góp phần cho công tác đào tạo được tốt hơn. Đặc biệt, trường đang liên kết với Trường đại học DL TP. HCM, Trung cấp DL Cần Thơ để chuyển đổi một số giảng viên thuộc chuyên ngành gần đó học thêm một số mô-đun nghề tham gia trở lại đội ngũ của ngành DL và dịch vụ, nhằm đủ sức phát triển ngành này trong thời gian tới.
Khi sáp nhập, Trường trung cấp VH-NT có 27 nhân sự. Hiện tại, trường đã nhận vào 19 người, 3 người được điều động vào vị trí việc làm của Sở VH-TT&DL, còn 5 người được UBND tỉnh giao cho trường làm đề án thực hiện nghỉ chính sách theo diện 108. Hiện tại, anh em rất phấn khởi và đã hòa nhập vào môi trường làm việc mới. Về cơ sở vật chất thì trong tháng 3 này, Sở Tài chính sẽ cùng với trường đánh giá lại tài sản cố định, sau đó đối chiếu với đơn vị chủ quản là Sở VH-TT&DL để bàn bạc, tiếp cận tăng giảm sao cho hợp lý. Riêng phòng ốc, trường lớp cũ của Trường trung cấp VH-NT được trưng dụng và trở thành cơ sở 2 của Trường CĐKTKTBL. “Tôi đã có cuộc họp đầu tiên với 2 khoa, công đoàn, đoàn thể các khoa này đang có bước chuyển động để nhập cuộc nhanh. Hầu hết anh em đều thích nghi nhanh và không hề bỡ ngỡ với môi trường làm việc mới. Điều này khiến chúng tôi rất vui và kỳ vọng vào những thành công mới trong tương lai”, tiến sĩ Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường CĐKTKTBL, cho biết.
Theo lãnh đạo trường, trước mắt, để đào tạo mã ngành cho phát triển DL, Trường CĐKTKTBL đang làm tờ trình xin Tổng cục Dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhưng thời gian để được cấp phép còn lâu, nên ngay bây giờ trường đã chủ trì họp với 2 khoa này, chỉ đạo nhanh chóng khảo sát nhu cầu của ngành VH-TT&DL tỉnh. Từ đó, biết được nhu cầu lớn là bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này. Sau đó, trường sẽ tiến hành đào tạo trình độ sơ cấp cho lực lượng mới để cung ứng cho thị trường lao động về DL và dịch vụ. Đồng thời, tuyển sinh một số ngành trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức đào tạo liên kết với các trường DL có chức năng lớn ở TP. Cần Thơ, TP. HCM để giải quyết nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, trường còn tăng cường mở các loại hình dịch vụ tại trường như: thu hút doanh nghiệp mở siêu thị nhỏ; tổ chức hình thức bán hàng online để tập cho học sinh - sinh viên khởi nghiệp về DL; chuẩn bị mở tua tuyến DL lữ hành giá thấp cho bạn trẻ và cộng đồng từ việc trưng dụng đội ngũ làm công tác DL. Ngoài ra, trường còn liên kết với doanh nghiệp làm các hoạt động về sản phẩm DL mới, trong đó chú trọng nhất là sản phẩm DL sinh thái. Và hiện tại, trung tâm thực nghiệm của trường đã hội đủ các yếu tố để trở thành điểm hẹn DL sinh thái lý tưởng. Theo đó, nông sản làm ra sẽ kết hợp với làng nghề truyền thống mang đến những trải nghiệm thú vị cho người tham gia khi được trực tiếp bắt cá, làm bánh dân gian, nấu ăn… Qua đó, học viên chuyên ngành DL được đào tạo tại trường sẽ có cơ hội cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề, và nếu “cứng tay” sẽ được tuyển chọn bổ sung vào đội ngũ hướng dẫn viên, nhà bếp, dịch vụ bàn và không phải lo đến “đầu ra” khi tham gia học tập tại trường.
Tiến sĩ Trần Công Chánh phấn khởi chia sẻ: “Một tin vui đến với trường là khi Khoa DL và dịch vụ vừa mới hình thành, thì Khách sạn New Palace có gói đặt hàng khoảng 20 học viên để khi đào tạo xong, cung ứng liền cho đơn vị. Và trường đã chuẩn bị mở thêm các lớp ngắn hạn đào tạo nhân lực cho các cơ sở làm lữ hành, hướng dẫn DL tại địa phương và các tỉnh lân cận”. Có thể thấy, việc sáp nhập này mở ra nhiều cơ hội mới cho người học và góp phần giải quyết bài toán nan giải về đầu ra cho học sinh - sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.
Kim Trúc