Giáo dục - Học Đường

Sứ mệnh mới của người thầy

Thứ Hai, 18/11/2024 | 16:24

Người thầy với sứ mệnh bao đời là “dạy chữ - dạy người”. Sứ mệnh ấy càng quan trọng hơn khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển, đòi hỏi người thầy không chỉ có tri thức, nghiệp vụ sư phạm vững chắc, mà còn phải biết tự đổi mới mình bằng các kiến thức khoa học - công nghệ để bắt kịp xu thế thời đại.

Tiết dạy thực hành trên lớp với “Chiếc hộp may mắn” của thí sinh dự thi “Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS” huyện Hòa Bình, năm học 2024 - 2025.

“NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG”

Cụm từ “người lái đò thầm lặng” là cách gọi tôn kính và biết ơn của các thế hệ học trò dành cho thầy cô giáo của mình. Thầy cô là những người dạy cho chúng ta bao điều hay, thắp sáng ước mơ, nâng niu từng nét chữ, đưa ta đến bến bờ tri thức và tương lai tươi đẹp. Khi một năm học kết thúc là một chuyến đò cập bến, chúng ta luôn nhớ ơn và kính trọng thầy cô của mình.

Dù bao thế hệ đã đi qua, nhưng trên “bến đò xưa”, những “người lái đò thầm lặng” ấy vẫn miệt mài gieo mầm cho những ước mơ của các thế hệ tương lai. Dù năm tháng có phai mờ nhưng vai trò, trách nhiệm của người thầy vẫn không bao giờ thay đổi. Đó là: giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cho các thế hệ tương lai.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: “Trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cho học sinh, môi trường học đường có ưu thế đặc biệt. Vì nhà trường là địa chỉ thuận lợi nhất cho công tác tập hợp thanh niên. Chính nơi đây, các cấp ủy đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngành GD-ĐT có thể thông qua nhiều hình thức tuyên truyền để giáo dục học sinh về nhân cách và giá trị sống, giúp cho tuổi trẻ có hành trang tinh thần vững bước vào đời, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động nhằm góp phần phát triển quê hương đất nước, hòa nhập mà không bị hòa tan. Mặt khác, chương trình, nội dung các môn học, nhất là các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn được giảng dạy luôn có sự ảnh hưởng trực tiếp nhằm tạo ra hiệu quả to lớn trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của học sinh. Vì vậy, nếu thực hiện tốt yêu cầu tích hợp giữa hoạt động “dạy chữ” với yêu cầu “dạy người”, chắc chắn các nhà trường mà trực tiếp là những người thầy sẽ tạo được những “hiệu ứng” linh diệu trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh”.

Người thầy không chỉ dạy chữ mà còn luôn chú trọng giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo… cho học sinh.

Các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của các đơn vị trường học được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh như: dạy ở trường, lớp; thông qua nội dung sinh hoạt Đoàn, Đội; tổ chức các hội thi, tọa đàm, các buổi dã ngoại, thăm các di tích lịch sử; viếng Đền thờ Bác Hồ, nghĩa trang liệt sĩ; tuyên truyền giáo dục trên báo, đài; phát triển văn hóa đọc; tổ chức giới thiệu sách; xây dựng tủ sách pháp luật trong nhà trường…

Học sinh tiểu học áp dụng phương pháp giáo dục STEM sáng tạo thiệp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tặng thầy cô.

Trẻ mầm non trải nghiệm tự làm bánh gừng. Ảnh: C.K

LUÔN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì vai trò của người thầy cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Theo đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên không chỉ phải nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp mà còn phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Người thầy muốn làm tốt nhiệm vụ mới thì phải coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ông Trần Trung Hậu - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình), chia sẻ: “Người thầy hiện nay không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn phải là người dẫn dắt học sinh làm chủ tri thức theo hướng phát triển năng lực người học. Người thầy ngoài nghiệp vụ sư phạm vững vàng còn phải biết kiến thức khoa học, xã hội, công nghệ thông tin… để vận dụng vào bài giảng của mình. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Từ khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ nhà giáo trong tỉnh đã có những bước tiếp cận đúng đắn khi không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.

Ghi nhận tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cho thấy, dù đứng lớp ở bộ môn nào, người thầy giờ đây cũng đã biết “tự làm mới” mình qua các phương pháp giảng dạy, giáo án điện tử, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để minh họa cho bài giảng… Tất cả sự “thay đổi” đó đều hướng đến người học, giúp các em dễ nắm bắt kiến thức, hệ thống tư duy để phát huy năng lực của bản thân.

Có thể nói, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên. Vì thế, để làm tốt nhiệm vụ của mình, người thầy phải luôn chủ động đổi mới chính mình để bắt kịp xu thế, làm chủ tri thức.

CHÂU KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.