Giáo dục - Học Đường

Sứ mệnh thiêng liêng của người thầy

Thứ Sáu, 27/09/2024 | 16:06

>> Bài 1: “Trọng trách bảo vệ Đảng, bồi đắp thế hệ tương lai

Bài 2: Nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ

Bồi dưỡng nhân cách, nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giáo dục đạo đức tại nhà trường. Người phát biểu: “Tôi xem chương trình giáo dục cho đến hết lớp 10, phần đức dục rất thiếu sót, chỉ có mười dòng”, và sau đó chỉ rõ: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về đức dục” và “không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng”.

Học sinh Trường THCS Ngô Quang Nhã (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) nghe thuyết minh về “Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong chuyến về nguồn tại Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: C.K

Tăng cường giáo dục đạo đức trong trường học

Cụ thể hóa lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước luôn có nhiều chủ trương, chính sách định hướng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Điển hình như Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1895 phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao. Khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Đề án, Chương trình trên, ngành Giáo dục Bạc Liêu nhiều năm qua đã và đang triển khai có hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, lối sống văn hóa, nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cho các thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Ông Dương Hồng Tân - Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cho học sinh, môi trường học đường có ưu thế đặc biệt. Vì nhà trường là địa chỉ thuận lợi nhất cho công tác tập hợp thanh thiếu niên, nhi đồng. Chính nơi đây, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn, Đội và ngành GD-ĐT có thể thông qua nhiều hình thức tuyên truyền để giáo dục học sinh về nhân cách và giá trị sống, giúp tuổi trẻ có hành trang tinh thần vững bước vào đời, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động để góp phần phát triển quê hương, đất nước, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Mặt khác, chương trình - nội dung các môn học, nhất là các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn được giảng dạy luôn có sự ảnh hưởng trực tiếp nhằm tạo ra hiệu quả to lớn trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của học sinh. Vì vậy, nếu thực hiện tốt yêu cầu tích hợp giữa hoạt động “dạy chữ” với yêu cầu “dạy người”, chắc chắn các nhà trường mà trực tiếp là những người thầy sẽ tạo được những “hiệu ứng” linh diệu trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh”.

Theo đó, vào đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị hoặc tổ chức hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện quan trọng của tỉnh, của đất nước…

Từ việc nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh được các đơn vị trường học thực hiện tốt với những nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam; giáo dục về truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước của con người và quê hương Bạc Liêu. Tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, phản bác các luận điệu sai trái, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch…

Các bé Trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) tham gia hoạt động trải nghiệm “Chúng em làm chú bộ đội”.

Chủ động, tiên phong, sáng tạo trong “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”

Trong quá trình thực hiện, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được quan tâm đổi mới. Phương pháp giảng dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị được đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Trong đó, giáo dục mầm non đã tích hợp, lồng ghép một số nội dung giáo dục phù hợp trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt trong gia đình, trong nhà trường và cộng đồng xã hội.

Giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện tốt nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân của chương trình hiện hành; lồng ghép vào các môn học nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại. Trong đó, người thầy luôn chú trọng giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống; bố trí thời lượng phù hợp cho hoạt động Đoàn, Đội và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đa dạng, phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh như: dạy ở trường, lớp; thông qua nội dung sinh hoạt Đoàn, Đội; tổ chức các hội thi, tọa đàm, các buổi dã ngoại, thăm di tích lịch sử; viếng Đền thờ Bác, nghĩa trang liệt sĩ; tuyên truyền, giáo dục trên báo chí, đài truyền hình, truyền thanh; phát triển văn hóa đọc; tổ chức giới thiệu sách; xây dựng tủ sách pháp luật trong nhà trường…

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… đã và đang mang lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, bồi đắp ước mơ, rèn luyện lối sống văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học tập trong tuổi trẻ học đường.

Các đơn vị, trường học cũng chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và quản lý, giáo dục học sinh; phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục con em; xây dựng nhà trường an toàn, kỷ cương, dân chủ.

Ông Dương Hồng Tân khẳng định: “Có thể nói, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh trong bối cảnh hiện nay là một yêu cầu bức thiết nhằm “chống” lại sự tấn công của chủ nghĩa thực dụng, cũng như các quan điểm sai trái, thù địch. Với những lợi thế riêng của mình, các cơ sở giáo dục nói chung, những người thầy nói riêng trên địa bàn tỉnh đang chủ động đi tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” như lời Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc”. 

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.