Giáo dục - Học Đường

Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn

Thứ Hai, 02/12/2024 | 15:38

Tại Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), Sở GD-ĐT vừa tổ chức sơ kết giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt (TCTV) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) và đánh giá chất lượng giáo dục mầm non vùng DTTS. Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Đề án cũng gặp nhiều khó khăn như: tỷ lệ nhóm, lớp đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đạt 100%; số lượng giáo viên mầm non vùng DTTS còn thiếu so với quy định…

Đại biểu tham quan hoạt động ngoài trời “Bé với điệu múa khỉ của dân tộc Khmer” (ảnh trái) và hoạt động trải nghiệm làm bánh gừng truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer của trẻ Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Giúp trẻ DTTS hòa nhập, phát triển toàn diện

Thực hiện Quyết định 5006, ngày 31/12/2021 của Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án TCTV cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS theo Quyết định 1311, ngày 1/8/2022 của UBND tỉnh.

Tính đến cuối tháng 5/2024, tại những vùng có đông đồng bào DTTS của tỉnh có 20 trường mầm non, tập trung chủ yếu tại TP. Bạc Liêu với 5 trường, huyện Hòa Bình 5 trường, huyện Hồng Dân 4 trường, TX. Giá Rai 3 trường, các đơn vị còn lại gồm 1 trường/huyện, với 224 nhóm, lớp và 6.336 trẻ. Trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100% (đạt so với mục tiêu Đề án của tỉnh). Số trẻ được TCTV là 1.481 trẻ, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Cơ sở vật chất đảm bảo 1 phòng học/lớp. Tỷ lệ nhóm, lớp đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đạt 99,13%. Kết quả đánh giá trẻ cuối độ tuổi, các lĩnh vực phát triển của trẻ nhà trẻ bình quân đạt 93,65%, trẻ mẫu giáo đạt 96,03%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 97,97%...

Những năm qua, các phòng GD-ĐT tổ chức và chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như: Chuyên đề, hội thảo, hội thi, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các lễ hội… tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Đa số các trường mầm non, mẫu giáo vùng đồng bào DTTS cũng tổ chức cho trẻ tham quan chùa Khmer tại địa phương để giáo dục trẻ giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người Khmer. Bên cạnh đó còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Biểu diễn văn nghệ trong các lễ hội; tổ chức cho trẻ trải nghiệm làm các món bánh truyền thống của dân tộc Khmer trong giờ hoạt động chung; tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian của dân tộc Khmer trong giờ hoạt động ngoài trời, trong hoạt động lễ hội… Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trong cơ sở GDMN vùng DTTS đảm bảo hiệu quả, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng nhằm thúc đẩy công tác phối hợp giữa cơ sở GDMN với gia đình và đoàn thể, tổ chức xã hội cùng chăm lo phát triển GDMN vùng DTTS.

Đặc biệt, các cơ sở GDMN đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kết hợp với cha mẹ trẻ, gia đình và cộng đồng trong việc TCTV cho trẻ như: Xây dựng bản tin các bậc phụ huynh cần biết để giáo dục trẻ; tuyên truyền cho phụ huynh ngoài việc sử dụng tiếng mẹ đẻ thì phải thường xuyên sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp với trẻ để giúp trẻ hiểu, nhớ vốn từ, phát âm và sử dụng câu tốt hơn… Qua các nội dung trao đổi, phụ huynh có ý thức đưa trẻ trong độ tuổi đến trường; nắm và biết được các yêu cầu, nền nếp sinh hoạt của trẻ khi ở trường, ở lớp, từ đó hướng dẫn TCTV thêm cho trẻ khi ở nhà đạt hiệu quả hơn.

Cô và trò Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) biểu diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: C.K

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương khi triển khai thực hiện thì thực tế cho thấy Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: tỷ lệ huy động trẻ em người DTTS ra lớp và tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng tiếng dân tộc giai đoạn 2021 - 2023 chưa đạt so với mục tiêu của Đề án/Kế hoạch đặt ra; tỷ lệ nhóm, lớp đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đạt 100%; số lượng giáo viên mầm non vùng DTTS còn thiếu so với quy định nên còn gặp khó khăn trong việc tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cũng như trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ; một số cán bộ quản lý, giáo viên người kinh công tác tại vùng DTTS không biết tiếng DTTS nên gặp khó khăn trong thực hiện công tác truyền thông và giao tiếp với trẻ…

Để việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngành Giáo dục đã đề ra các giải pháp như: Huy động hội viên, đoàn viên của các tổ chức, đoàn thể cùng nhà trường và chính quyền địa phương tham gia huy động trẻ ra lớp và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em DTTS có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Cùng với đó là bố trí giáo viên là người DTTS tại địa phương, hay giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vùng DTTS, có lòng nhiệt tình, có kỹ năng tuyên truyền phối hợp với phụ huynh trong việc TCTV cho trẻ. Thực hiện tốt việc xây dựng và khai thác có hiệu quả môi trường tiếng Việt để trẻ được TCTV. Thường xuyên kiểm tra cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS để động viên những việc làm có hiệu quả, nhân rộng điển hình và khắc phục những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ TCTV cho trẻ mầm non DTTS.

Ngành Giáo dục tỉnh cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho ngành GD-ĐT, không thực hiện tinh giản biên chế cơ học để đảm bảo nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về phương pháp dạy TCTV; tạo điều kiện cho các địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm ở những đơn vị thực hiện tốt; ưu tiên các chương trình mục tiêu, dự án cho vùng DTTS để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi…

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.