Giáo dục - Học Đường
Thầy trò vất vả vì quá nhiều cuộc thi
Không hề phủ nhận những lợi ích mà các cuộc thi mang lại cho học sinh (HS) và giáo viên (GV) tỉnh nhà. Từ những sân chơi này, thầy và trò các trường, các bậc học được tự tin thể hiện sở trường, năng khiếu trên tất cả các lĩnh vực và có thể mang về cho bản thân, đơn vị mình những thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, áp lực lớn và những phiền toái mà các cuộc thi này mang lại cũng bao phen làm thầy trò lao đao!
KHEN AI KHÉO VẼ HÀNG CHỤC PHONG TRÀO, CUỘC THI LỚN NHỎ MỖI NĂM?!
Một GV THCS ở huyện Đông Hải chia sẻ trong sự xót xa: “Vừa rồi trong giờ lên lớp, có một HS ngủ thiếp đi trên bàn, tôi không nỡ la rầy vì không phải em lười học mà là vì em quá mệt! Mỗi ngày, em HS này cũng như nhiều em khác phải “chạy sô” học 2 buổi/ngày, có em nhà xa bất tiện đi về phải ở lại trường, không có chỗ nghỉ ngơi. Đã vậy còn phải gồng gánh quá nhiều cuộc thi, phong trào các cấp, mà cuộc thi nào cũng phải tập tành, ôn luyện, chuẩn bị công phu. Từ đầu tháng 10 là bước vào cao điểm thầy trò phải “chạy vắt giò lên cổ” mới kham nổi lịch học tập, tham gia phong trào, các cuộc thi chào mừng 20/11. Nhiều lúc vào lớp hết thầy đến trò cứ ngáp dài ngáp vắn vì thiếu ngủ…”.
Chỉ mới giữa học kỳ I của năm học 2024 - 2025 mà chị Trần Hồng C. (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã nhẩm tính con mình tham gia hơn 10 cuộc thi, phong trào lớn nhỏ. Đó là chưa kể chị chấp nhận làm “phật ý” GV chủ nhiệm khi quyết liệt không cho con tham gia một số cuộc thi. Chị phân trần: “Lớp 5 là lớp cuối cấp tiểu học theo chương trình mới, con tôi lại có nguyện vọng muốn thi vào lớp 6 chất lượng cao, nên tôi không muốn con bị phân tâm bởi các cuộc thi bên lề. Hơn nữa, lịch học 2 buổi/ngày đã quá dày, tôi muốn con có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, để tránh những áp lực không đáng có”.
Nếu làm một phép tính nhẩm, mỗi năm học thầy trò tỉnh nhà phải kinh qua hàng chục phong trào, cuộc thi lớn nhỏ. Trong đó phải kể đến các cuộc thi như: GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi, thi HS giỏi các môn, phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao, viết thư quốc tế UPU, sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, thi vẽ tranh… Phong trào, cuộc thi nào cũng trải qua nhiều cấp, nhiều vòng tuần tự từ cơ sở đến toàn quốc. Đó là chưa kể, các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các cuộc thi giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng tiếng Anh, thi hùng biện - hát karaoke tiếng Anh, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn nhiều thời gian của GV, HS, nhưng nếu trường, GV, HS không tham gia thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích, thi đua chung, sẽ bị phê bình và trừ điểm.
Học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024. Ảnh minh họa: Đ.K.C
QUÁ NHIỀU ÁP LỰC
Một GV giảng dạy Địa lý - Giáo dục công dân ở trường THCS của huyện Hồng Dân hơn 20 năm, từng được đơn vị chọn đi thi GV dạy giỏi vòng huyện, tỉnh nhiều năm liền, nhưng với GV này mỗi lần tham gia là mỗi lần áp lực và ngao ngán.
Khởi đầu hành trình là tham gia hội giảng GV giỏi ở trường trong tháng 10. GV phải tự xoay xở cho tiết dạy của mình mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào. Vượt qua cấp trường, Ban giám hiệu sẽ “chọn mặt gửi vàng” cho vòng đấu huyện.
Rất nhiều GV, kể cả những người có “thâm niên” thi thố cũng chia sẻ bản thân bị mất ăn mất ngủ để chuẩn bị cho tiết dạy của mình. Nào là giáo án điện tử (dự phòng thêm giáo án truyền thống nếu chẳng may có sự cố khi thi), tranh ảnh, video clip minh họa để tiết dạy sống động, đồ dùng học tập… Rồi phải dạy thử đôi ba lần để đồng nghiệp trong nhóm, tổ, Ban giám hiệu dự giờ, góp ý chỉnh lại. Ám ảnh đến nỗi nằm mơ cũng thấy… đang đi thi!
Nếu trót lọt được “đề tên bảng vàng” dự thi cấp tỉnh thì trình tự lại được chuyển giao. Đó là Tổ nghiệp vụ Phòng GD-ĐT sẽ dự giờ dạy thử của GV, rồi góp ý năm lần bảy lượt cho hoàn thiện đến ngày lên đường thi đấu.
GV đi thi khổ đã đành, GV ở nhà cũng bị cuốn vào vòng xoáy khổ ải đủ kiểu vì phải giữ lớp, dạy thay. HS còn khổ hơn vì để phục vụ cho thầy cô dạy thử tiết thi huyện, tỉnh, các trường sẽ điều động các lớp tham gia, đổi tiết, đổi giờ, có khi tham gia học thử nghiệm nhiều phương pháp để hỗ trợ GV… Điều này vô hình trung gây ra nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS.
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành cụ thể Quy định về Hội thi GV dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông với nguyên tắc: “Dựa trên sự tự nguyện của GV; không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia hội thi” nhằm “cởi trói” cho GV khỏi những ràng buộc. Nhưng với căn bệnh thành tích, hình thức đã tồn tại quá lâu trong ngành Giáo dục, quy định này vẫn chưa phải là “liều thuốc chữa lành”!
Bởi vậy, để thầy trò giải tỏa áp lực vì quá nhiều cuộc thi, ngành Giáo dục phải “bắt đúng mạch”, “kê đúng đơn” thông qua việc điều chỉnh các phong trào, cuộc thi cho phù hợp để việc dạy - học đi vào thực chất, không còn là thành tích, áp lực để làm khổ GV, HS.
Kim Trúc
- 32 dự án vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024
- Quy hoạch chung thị xã Giá Rai đến năm 2045
- Rộn ràng sinh khí chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu
- Người cao tuổi tích cực đóng góp xây dựng Đảng
- Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Nuri Flex Việt Nam đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo